Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Khám phá thủ đô đẹp tại Trung Á

Thủ đô Astana của đất nước Kazakhstan thu hút du khách bằng những công trình kiến trúc kỳ vĩ của những kiến trúc sư bậc thầy thế giới, bên cạnh những nét văn hóa đặc trưng khó lẫn của vùng Trung Á.

Astana từng được biết đến với tên gọi Akloma, là thủ đô mới của Cộng hòa Kazakhstan kể từ năm 1997. Được xem là một trong những kế hoạch vĩ đại để xây dựng thành phố Astana trở thành trung tâm của khu vực Trung Á, đất nước giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt này đã dồn nguồn lực nhằm thay đổi thành phố này trở thành thủ đô có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới.



Astana nằm bên dòng sông Ishim. Trái với phần cổ kính của thành phố nằm bên hữu ngạn sông, phía tả ngạn sông là nơi hiện đại, hào nhoáng. Nơi đây có các tòa nhà cơ quan chính phủ, quốc hội, các cao ốc văn phòng, khu vui chơi giải trí đan xen, cùng các khu dân cư hiện đại được đầu tư xây dựng gần đây. Tại Astana, các công trình kiến trúc đều được thiết kế bởi những tài hoa lớn, trong lĩnh vực kiến trúc thế giới.

Một trong những điểm đến mà du khách khó có thể bỏ qua là Cung điện hòa bình và hòa giải với kiểu kiến trúc hình kim tự tháp bốn mặt. Đây là nơi diễn ra các hoạt động đại hội của các tôn giáo lớn trên thế giới, mang ý nghĩa các tôn giáo cùng sinh sống trong một thế giời đại đồng. Hàng năm, vào những ngày lễ tôn giáo lớn, có rất nhiều người hành hương trên thế giới đến với Astana, để được tham gia vào những hoạt động tôn giáo ý nghĩa tổ chức tại cung điện này. Đêm xuống, cung điện có những sắc màu lung linh huyền ảo, bởi rất nhiều đèn màu được trang trí xung quanh.

Đất nước Kazakhstan nói riêng, và khu vực Trung Á nói chung là nơi sản sinh ra nhiều tài năng biểu diễn xiếc. Các đoàn nghệ thuật xiếc của nơi đây nổi tiếng khắp thế giới và được nhiều quốc gia mời đến trình diễn. Tại Astana, một công trình kiến trúc độc đáo dành riêng cho các hoạt động biểu diễn xiếc, đặc biệt là xiếc nhào lộn có tên gọi là Capital Circus. Công trình này mang dáng dấp của một vật thể bay, tượng trưng cho sự tự do trong không trung của các diễn viên xiếc nhào lộn, có sức chứa hơn 2.000 khán giả.



Đối với những du khách muốn tìm hiểu về văn hóa du mục, đặc biệt là chiếc lều của người dân du mục Trung Á, du khách không thể bỏ qua Khan Shatyr. Đây là công trình chiếc lều khổng lồ trên thế giới với diện tích lớn hơn 10 sân đá bóng gộp lại, được thiết kế bởi kiến trúc sư ngôi sao Norman Foster. Chiếc lều này bao gồm khu phức hợp vui chơi, mua sắm và có một bãi biển nhân tạo ngay bên trên đỉnh của túp lều, với các cây dừa được mang về từ vùng biển Caribe và cát trắng từ Malaysia.

Một điểm đến khác mà du khách không nên bỏ qua khi có dịp đến thăm Astana, đó là tòa tháp Cây Cuộc Sống (Baiterek). Tòa tháp này được xây dựng để kỷ niệm thời điểm Astana được chọn làm thủ đô mới và cũng là biểu tượng của thủ đô. Từ trên đài quan sát của tháp ở độ cao 105 m, du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng bao quát toàn bộ các công trình kiến trúc tại thủ đô.

Là quốc gia với hơn 70% dân số theo đạo Hồi, nên các công trình kiến trúc Hồi giáo cũng hiện diện khắp nơi, với các chóp nhà thờ hình củ hành đặc trưng. Vốn là quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết trước đây, các công trình kiến trúc theo trường phái Xô Viết vẫn còn hiện diện và hài hòa cùng các công trình kiến trúc tương lai và kiến trúc tôn giáo. Tất cả những yếu tố này giúp thành phố trở thành nơi có nét kiến trúc đặc biệt riêng.



Air Astana là hãng hàng không quốc gia của Kazakhstan và là hãng hàng không 4 sao duy nhất tại khu vực Trung Á - Đông Âu sẽ chính thức mở đường bay thẳng TP HCM - Almaty, từ ngày 2/1/2013. Với hai chuyến bay một tuần, khởi hành từ TP HCM lúc 13h và đến Almaty lúc 19h30 bằng máy bay Boeing 757-200, đưa bạn đến một trong những thủ đô phát triển nhanh trên thế giới. Từ đây còn được nối chuyến qua các thành phố lớn của nước Nga, hay các thành phố nổi tiếng châu Âu.

Dịp này, hãng đưa ra chương trình khuyến mãi đặc biệt giảm 30% cho các vé đặt trước ngày 1/1/2013, trên các chuyến bay từ ngày 2/1 đến 31/1/2013.

Nguồn: Air Astana

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến