KHÁM PHÁ LỄ HỘI CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ
Người Khmer Nam Bộ là cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Môn – Khmer và theo giáo phái Nam Tông, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang,… Đồng bằng sông Cửu Long được ưu ái thừa hưởng nhiều dòng văn hóa đặc sắc từ phong tục, tập quán cho đến lễ hội đều mang sắc thái khác nhau tạo sức hút lớn cho sự giao thoa giữa các dòng văn hóa càng trở nên độc đáo hơn.
Đối với người Khmer chùa là nơi sinh hoạt, tập trung bà con trong vùng và là nơi diễn ra hầu hết các lễ hội cộng đồng phum sóc. Một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Khmer chính là các lễ hội. Hàng năm diễn ra nhiều lễ hội nhưng đặc sắc nhất và lớn nhất là: Chol Chnam Thmay, Sen Đolta, Ok Om Bok. Mọi người từ khắp các vùng miền đổ về đây hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp và ghi lại cho mình những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Đây được xem là một trong những sự kiện du lịch nổi bật của Đồng bằng sông Cửu Long, hàng nghìn lượt khách đến đây mỗi năm và trong đó cũng có nhiều du khách nước ngoài đến vì sự hiếu kỳ của mình.
Chol Chnam Thmay
Chol Chnam Thmay là lễ Tết cổ truyền của người Khmer cũng giống như Tết Nguyên Đán của người Kinh nhưng được tổ chức vào đầu tháng Pôsăk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa rơi vào ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuần thì bắt đầu vào ngày 13 tháng 4 Dương lịch). Chol Chnam Thmay có nghĩa là “lễ chịu tuổi” hay “vào năm mới”, lễ diễn ra sau khi mùa màng thu hoạch xong cũng chính là thời gian nông nhàn cho bà con tha hồ vui Tết.
Ăn Tết xong lại chuẩn bị đón mùa mưa, gieo sạ lúa. Tết này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Khmer Nam Bộ vì nó vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ mới cũng là ngày hạnh phúc tươi vui mới nhất trong năm mới.
Để cảm nhận được mùi vị Tết của người Khmer như thế nào thì du khách nên đến trước vài ngày sẽ thấy không khí Tết rộn ràng khắp các phum sóc, mọi nhà đều tất bật chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ cho những ngày Tết. Bên ngoài ngôi nhà được sơn phết lại, bên trong thì dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, bàn ghế cũng được lau chùi bóng loáng. Cũng giống như người Kinh nhà nhà người Khmer đều có những nồi bánh nùm – chrụt (gần giống bánh tét), nùm – tiên (gần giống bánh ít) trên bếp lửa reo tí tách. Ngoài ra còn có các loại bánh khác như: nùm – chết (bánh dừa nhân chuối), sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa),… dùng để vui Tết và thếch đãi khách, vị ngon của tất cả loại bánh rất đặc trưng không thua kém gì bánh của người Kinh.
Chol Chnam Thmay diễn ra trong 3 ngày: ngày đầu tiên gọi là Chol Sangkran Thmay, ngày thứ hai gọi là Wonbơt và ngày cuối cùng gọi là Lơn Săk. Hòa mình trong không khí tưng bừng, rộn ràng của lễ hội du khách được dịp tham gia vào những nghi lễ và tìm hiểu phong tục của người Khmer Nam Bộ.
Vào ngày đầu năm mới, những thành viên trong gia đình tắm gọi, mặc quần áo đẹp quây quần bên bàn thờ tổ tiên cúng vái đưa Têvêđa (Thần coi sóc) cũ, đón Têvêđa mới. Theo tập tục của mình trong những ngày Tết, người Khmer mang lễ vật dâng cho các vị sư sãi trong chùa, nghe nhà sư tụng kinh năm mới, thuyết giảng Phật giáo, bà con trong sóc thăm hỏi chúc mừng lẫn nhau. Điều đặc biệt vào buổi chiều ngày lễ thứ hai, du khách sẽ cùng bà con tiến hành lễ “Đắp núi cát”, gọi là Puôn Phnum Khsach. Tục này có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người nên tích phúc để ngày một cao vời, lớn lao như núi và lan dần khắp bốn phương, tám hướng. Và ngày cuối cùng, tiến hành lễ tắm Phật, lễ rất lớn và trang trọng. Người Khmer dùng nước sạch thả vào đó những bông hoa có mùi thơm, rồi dùng những nhánh hoa nhúng vào vẩy lên tượng Phật, sau đó tắm cho các vị sư cao niên, các ngôi tháp đựng hài cốt các vị sư đã viên tịch,… Đây là một nghi lễ rất quan trọng với đồng bào Khmer Nam Bộ vì họ tin rằng sẽ được Phật tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ, ban nhiều sức khỏe, làm ăn trúng mùa, ý nguyện được thành, phum sóc yên ổn,… trong năm mới.
Tết Chol Chnam Thmay càng trở nên náo nhiệt hơn hơn khi du khách cùng nam nữ thanh niên Khmer thỏa thích vui chơi ca hát các điệu dù kê, rô băm, múa lâm thôn,... tại sân chùa. Trong ba ngày lễ tiếng trống nhạc của giàn ngũ âm vang lên liên hồi, các cô gái Khmer xinh đẹp dịu dàng trong trang phục truyền thống sặc sỡ màu sắc, nhịp nhàng quyến rũ với điệu múa lâm thôn sẽ hút hồn du khách theo từng cung bậc cảm xúc. Vui nhất là “hát dù kê” (còn gọi là hát lò khôn). Hai bên nam nữ hát đối đáp qua lại kết hợp ném Chơ hung (là những chiếc khăn đủ màu sắc kết tròn lại như trái bóng được nam nữ ném qua ném lại cho nhau như ném “còn” của người Thái vùng Tây Bắc). Đây cũng là dịp để họ tìm hiểu nhau, hẹn hò và phô bày tình cảm, và nhiều đôi đã nên vợ nên chồng. Ngoài ra còn có các trò chơi như kéo co, đánh bóng chuyền, hát bo suông (hát giao duyên),… Buổi tối mọi người tụ họp lại đốt pháo thăng thiên, thả diều, đánh quay lửa,…
Tuy phân bố ở nhiều vùng khác nhau nhưng người Khmer vẫn giữ những tập tục nghi lễ giống nhau. Ở Sóc Trăng được pha thêm chút vui tươi, dí dỏm của “Ông Thần tài, Thổ địa” người Kinh đi dán liễn mừng năm mới bằng chữ Khmer. Ở An Giang thì hào hứng với trò chơi tát nước thơm cầu may mắn từ người lớn tuổi làm không khí lễ hội náo nức hẳn lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét