NHỮNG NGÔI CHÙA KHMER ĐỘC ĐÁO
NẰM TRÊN VÙNG ĐẤT TÂY ĐÔ
Đồng bằng sông Cửu Long tập trung nhiều dân tộc như Kinh, Hoa, Chăm, Khơmer tạo nên sự đa dạng bản sắc văn hóa và tín ngưỡng tâm linh luôn được chú trọng đối với mỗi dân tộc.
Đến Cần Thơ sự giao thoa về tín ngưỡng giữa người Kinh và người Khơmer đã thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu. Nằm giữa lòng thành phố, ngôi chùa Pitu Khosarangsay (tên Việt là Viễn Quang) của người Khơmer được xây lên nổi bật và trang nghiêm, tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư thuộc quận Ninh Kiều. Chùa còn có tên gọi khác là “Chùa Sau” vì trên đại lộ Hòa Bình còn có chùa Munirangsay được gọi là “Chùa Trước”, do vị trí chùa Munirangsay nằm quay mặt ra ngoài lộ lớn của thành phố. Chùa được xây dựng vào năm 1948 trải qua hơn nữa thế kỷ. Năm 2008, chùa được khởi công trùng tu và hoàn thành vào tháng 4 – 2012. Hiện nay, chùa Pitu Khosarangsay được đánh giá là một trong những ngôi chùa hoành tráng và đẹp nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với số lượng khách hành hương đến viếng chùa hằng năm rất đông đảo.
Từ bờ hồ Xáng Thổi, du khách sẽ thấy được tòa tháp cao vút với lối kiến trúc cổ uy nghiêm, đây không chỉ là ngôi chùa của bà con Khơmer mà còn cho nghững người Việt tín ngưỡng quanh vùng.
Trong khuôn viên 500m2, chùa xây dựng lên 3 tầng bê tông cốt thép và tầng tháp được xem là tầng thứ tư bao gồm chánh điện, nhà ở cho sư, cổng và tháp chuông. Du khách khi bước vào sẽ ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo gắn liền với giai thoại các vi thần theo tín ngưỡng của người Khơmer. Cổng chùa được xây dựng tỉ mỉ với những tháp trên nóc cổng khắc các biểu tượng, phù điêu tượng Phật, những hàng hiên cột cũng được chạm khắc cầu kỳ.
Chánh điện chùa Pitu Khosarangsay quay về hướng đông, trước chánh điện được trang trí nhiều hoa văn như rồng Ăngkor cách điệu uốn lượn, nâng đỡ các đà và mái có đầu rồng Ăngko – tiên nữ Kynor – chim thần Krud, phù điêu thần Chằn Hanuman, nữ thần Teppanom, Phanhi lửa. Vào bên trong chánh điện, du khách được lên từng tầng tháp để tìm hiểu và dâng hương. Tầng 1 hay tầng trệt là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống Chol Chnam Thmay, Dolta,… điện thờ tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bên dưới an trí tượng Đức Phật niết bàn và 7 pho tượng Đức Phật khác.
Tầng 2 là nơi tổ chức các nghi lễ Phật giáo Nam Tông Khơmer như lễ Phật Đản, lễ Phật Định,… nơi đây, điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng và 8 pho tượng Đức Phất khác được an trí bên dưới.
Tầng 3 là chánh điện, nơi hành lễ thọ giới xuất gia, Sa di, Tùy khưu, lễ Dâng y Kthina, dâng bông và các nghi lễ tăng sự,… Điện thờ chính được tôn trí bằng 3 bậc tam cấp, bậc cao là Đức Phật Bổn Sư, 2 bậc dưới an trí các Đức Phật niết bàn, đi bát,.. Cả ba tầng chùa có 12 cửa sổ bằng gỗ được chạm khắc 12 bức phù điêu tinh xảo thể hiện truyền thuyết nhân gian về Phật giáo.
Tầng thứ tư là tầng cao nhất của chùa, đây còn là nơi lưu giữ Tam Tạng kinh bằng tiếng Bali và kinh tiếng Việt. Chính giữa gian phòng thờ xá lợi Phật.
Đến đây, du khách sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, ban ngày tháp chùa vươn cao giữa trời xanh, màu vàng ánh nổi bật thể hiện sự vững chắc và may mắn cho những người trong vùng. Ban đêm, chùa được thắp sáng đèn soi rọi bóng dưới mặt hồ lung linh huyền ảo, du khách như cảm thấy sự huyền bí của ngôi chùa lúc ẩn lúc hiện giữa không gian thoáng đãng.
Đối với người Khơmer, Chùa Pitu Khosarangsay không những là niềm tự hào mà chùa còn là nơi bảo tồn nét đẹp văn hóa Khơmer truyền thống Nam Bộ. Đối với du khách chùa là nơi tâm linh để đến viếng thăm và cúng bái. Khám phá nét độc đáo của ngôi chùa là khám phá về nét văn hóa sinh hoạt thường ngày của người Khơmer.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét