Khu danh thắng và Di tích Đào Cò, xã Chi Lăng Nam thuộc vùng hồ An Dương và hồ Triều Dương phía Bắc giáp xã Chi Lăng Bắc, phía Nam giáp xã Thanh Giang và Diên Hồng, phía Đông giáp khu dân cư xã Chi Lăng Nam, phía Tây giáp xã Nhật Quang, Tống Phan và xã Quang Hưng, huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên. Là khu du lịch sinh thái nổi tiếng với đàn cò lên đến hàng vạn con bay lượn trắng toát một vùng trời.
Vào đầu thế kỷ 18, thiên tai, bão lũ gây ra, nên trong 3 năm, khu vực hồ An Dương vốn là một vùng đồng chiêm trũng bị vỡ đê liên tục, để lại lòng hồ rất sâu, khoảng 17-18 mét (với mực nước như bây giờ).
Vùng đất nhô cao giữa mặt nước bao la hình thành nên 3 đảo. Đảo phía Đông là đảo lớn nhất, có diện tích hơn 8.000m2, đảo giữa có diện tích trên 3.000m2 và đảo còn lại là khoảng 7.000m2. Đảo cò là “ngôi nhà chung” của nhiều loài cò, vạc, chim nước . Hiện nay, Đảo Cò Chi Lăng Nam có khoảng 16.000 con cò và 6.000 con vạc sinh sống. Đảo Cò là nơi cư trú của 6 loài cò khác nhau như cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ghềnh, cò diệc và cò ruồi, trong đó đông nhất là cò ruồi. Tiếng là Đảo Cò song đây còn là nơi trú ngụ của loài vạc xám, vạc lưng xanh, vạc sao, cùng nhiều loài chim khác như diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo...
Khu danh lam thắng cảnh Đảo Cò Chi Lăng Nam nằm trên 2 thôn: An Dương và Triều Dương, có diện tích trên 67 héc ta. Hồ An Dương có diện tích mặt nước 90.377,5m2; hồ Triều Dương có diện tích mặt nước 43.890m2. Kênh nối giữa hồ An Dương và hồ Triều Dương dài 800m, chiều rộng trung bình là 8m, nơi hẹp nhất 4,5m. Mặt hồ An Dương rộng, nước xanh ngắt; lòng hồ có nơi sâu nhất đến 18m. Người dân địa phương cho biết chỗ sâu nhất ước chừng 40 sải tay người lớn (mỗi sải tay khoảng 1,6 - 1,7m. Đảo Cò, tâm điểm của 2 hồ là 2 đảo nhỏ với tổng diện tích 7.324,2 m2 (nằm trong Hồ An Dương): 01 đảo cũ với diện tích 2,8 ha; một đảo mới hình thành từ khi di chuyển 7 hộ dân năm 2007 với diện tích 3,5 ha.
Năm 1995 - 1996, Trung tâm Tài nguyên Môi trường (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), kết hợp với Hội Môi trường tỉnh đã tổ chức điều tra và kết luận ở đây có 9 loại chim là Vạc, cò ruồi, có trắng, cò ngàng nhỡ, diệc xám, cò lửa, chim lặn, chim chả, bồng chanh, trong đó cò ruồi và vạc chiếm đa số và là loài chiếm ưu thế trên đảo, tuy nhiên lúc đó cò ruồi có khoảng 600 con, vạc có khoảng 200 con, hiện Đảo Cò có ít nhất là 34 loại chim, thuộc 10 bộ và 22 trong tổng số 828 loài chim đã thống kê được ở Việt Nam. Năm 2006, theo kết quả nghiên cứu của ông Ngô Xuân Tường - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: ở Đảo Cò Chi Lăng Nam có 24 loài, thuộc 15 họ, và 5 bộ. Chim có số lượng khá phong phú và đa dạng so với các vườn chim khác trong khu vực miền Bắc. Số lượng chim trên đảo lớn nhất vào tháng 12, trong đó số lượng khoảng 12.050 cá thể loài cò và 5.020 cá thể vạc. Tháng 4 và tháng 5 là thời gian quần thể chim trên đảo thấp nhất khoảng 8.000 cá thể. Đặc biệt có 6 loài làm tổ tập đoàn là cò trắng, cò bợ, cò ruồi, cò ngàng nhỏ, cò lửa và vạc.Các nhóm loài làm tổ hay không làm tổ, bay qua (ngủ lại) và thường gặp là các loài sống định cư chủ yếu với số lượng cá thể nhiều nhất tại Đảo Cò (đạt từ khoảng 12.000 đến 15 - 20.000 cá thể), gồm các loài Cò trắng nhỏ (Egretta garzetta) và Vạc (Nycticorax nycticorax), và kế tiếp là Cò bợ (Ardeola bacchus), Cò ruồi (Bubulcus ibis), và một số loài khác. Đây là các loài chim có đời sống liên quan mật thiết với môi trường nước (hay còn được gọi là các loài chim nước). Thường gặp chúng bay lượn và kiếm ăn theo đàn (từ vài chục đến hàng trăm ngàn cá thể), làm tổ tập đoàn trên cây (các loài cây giá thể ở Đảo Cò chủ yếu là tre gai, bạch đàn và keo hoa vàng).Các loài cò đi kiếm ăn vào ban ngày (từ sáng sớm đến chiều tối), Vạc kiếm ăn về ban đêm (từ lúc hoàng hôn đến sáng sớm hôm sau). Trong mùa sinh sản và nuôi con vào thời gian ban ngày mới có thể gặp chim bố mẹ lui tới trong khu vực làm tổ. Nơi kiếm ăn chủ yếu của các loài cò, vạc sinh sống và làm tổ trong Đảo Cò là các cách đồng lúa nước nằm cách xa Đảo Cò từ 1 đến 5 cây số.
Ngoài ra, trong Hồ An Dương với nguồn thủy sinh vật phong phú là môi trường sống lý tưởng của nhiều loài cá và thủy sinh vật, đặc biệt hồ có một số loài sinh vật có giá trị kinh tế cao như: rái cá, ba ba gai, cá ngạnh, cá viền, cá mòi, cá chuối hoa và cá măng kìm... thậm chí còn có loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: tổ đỉa, rái cá. Thảm thực vật quanh hồ chủ yếu là những cây bóng mát và làm nơi đỗ của cò như tre gai, chuối, nhãn, vải…Đặc biệt, hệ sinh thái phong phú này vẫn đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn trong suốt thời gian qua, tạo giá trị cảnh quan, môi trường đẹp đẽ, xanh tươi thích hợp cho nghiên cứu và du lịch sinh thái.Chính vì vậy, từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Hải Dương, đã thu hút sự chú ý bởi đông đảo du khách trong nước và quốc tế, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái tại quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 06/01/2009, với tổng diện tích quy hoạch là 67,1 ha.
Hàng năm khu du lịch Đảo Cò thu hút trên 100 nghìn lượt du khách đến tham quan, sưu tầm tư liệu, hình ảnh sinh động của Đảo Cò để bổ trợ cho học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở các cấp, bậc học trong nước và quốc tế. Nhiều nhà khoa học nhận định giá trị sinh thái của Đảo Cò, đã khẳng định đây là khu dự trữ thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học lớn và được bảo tồn gần như nguyên vẹn duy nhất ở miền Bắc. Nhiều địa điểm khác cũng có cò về sinh sống, nhưng việc bảo tồn luôn gặp rất nhiều khó khăn; ngược lại, Đảo Cò Chi Lăng Nam lại được người dân nơi đây tự nguyện bảo vệ nghiêm ngặt. Nhờ đó, hệ sinh thái quanh hồ luôn được giữ ở mức độ ổn định, tạo điều kiện cho các loài sinh vật tiếp tục kéo nhau về làm tổ, bổ sung thêm mức độ đa dạng sinh học vốn đã rất phong phú. Giá trị sinh học của Đảo Cò không chỉ nằm ở những sản phẩm khai thác được như trứng, cá, thịt, các loại rau…mà chủ yếu ở cảnh quan, môi trường, tái tạo và bảo vệ đất, nguồn nước, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.
Ngày 8/7/2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 2104/QĐ - BVHTTDL công nhận di tích quốc gia đối với danh lam thắng cảnh Đảo Cò. Qua đó nhằm mục đích phát huy giá trị di sản văn hoá vì lợi ích của cộng đồng và toàn thể xã hội, góp phần quan trọng cho sự phát triển ngành du lịch của huyện Thanh Miện nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung.
Sáng ngày 16/11/2014, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Đảo Cò thuộc xã Chi Lăng Nam.
Hải Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét