Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Phượt cùng khách Tây

Chắc bạn sẽ thắc mắc, Tây phượt thì có gì khác so với ta phải không? Câu trả lời dĩ nhiên là khác nhau rất nhiều. Bởi vì với “phượt ta” mà đa số là giới trẻ, phượt là một chuyến đi để trải nghiệm bản thân, chỉ cần có thời gian, thích là đi. Còn với khách Tây, hầu hết đều trong độ tuổi trung niên, để có một chuyến đi phượt ở Việt Nam, họ phải đăng ký một tour du lịch có chương trình mạo hiểm bằng xe máy.

Tour môtô này được gọi là “Leader’s Tour”, vì đồng hành cùng họ là những “phượt thủ” dày dạn kinh nghiệm, quen thuộc địa hình để làm người dẫn đường kiêm hộ tống. Vì vậy mà khách đặt tên gọi những “phượt thủ” dẫn đường là “Tour leader”, “Captain”. Tên gọi với họ không quan trọng, bởi họ nhận mình là “người phục vụ” và hoàn thành nhiệm vụ, với họ như thế đã là chinh phục một thử thách.

Đây là một công việc đặc biệt, không phải tay phượt nào cũng có thể đảm đương nếu thiếu niềm đam mê cùng sự kiên nhẫn. Với chúng tôi, nếu không có dịp chứng kiến một hành trình đầy cam go sẽ không hình dung ra công việc thầm lặng này lại nhiều gian khổ như vậy.

Chân dung “Tour leader”


Anh Bình (áo xanh) dẫn đoàn xuất phát từ Buôn Ma Thuột

Anh Phạm Văn Bình, một trong những người tập hợp nhóm anh em chơi môtô thuộc Đội Môtô quận 1 (TP.HCM) được biết đến là một “Tour leader” kỳ cựu nhất. Nhiều thành viên khác của nhóm như anh Đào Hoàng Mai, Nguyễn Xuân Hàm, Nguyễn Nam Xinh… cũng vì đam mê thú chơi này mà thường xuyên tham gia mỗi khi có “Tour”.

Hay “lão tướng” Nguyễn Hạnh đã ngoài bảy mươi, phải giải nghệ vì sức khỏe, nhưng mỗi lần nhắc đến những chuyến đi, ông lại hào hứng như thời đang sung sức. Anh Bình nhớ lại, cơ duyên để anh đến với thú vui này và gắn bó với nó cũng thật tình cờ.

Từ một người mê môtô từ nhỏ, anh sắm xe để thỏa mãn niềm đam mê của mình. “Chơi có bạn”, anh tập hợp những người cùng sở thích rong ruổi từ Nam ra Bắc, từ đường gần đến đường xa. Những cung đường miền Trung, Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc… lộ trình nào các anh cũng chinh phạt đến “mòn đường chết cỏ”.

Từ một chiếc môtô “tầm tầm” chạy được, có điều kiện là các anh lại nâng cấp, mua thêm… Thế nên, đã chơi môtô, ai cũng phải có ít nhất hai con “chiến mã” để thay đổi địa hình.

Ngày ấy, đường sá còn hiểm trở, gồ ghề, bao nhiêu là dốc cao, vực sâu giăng bẫy trên đường nên những chuyến đi của các anh chẳng khác nào hành xác, có khi còn đối diện với tử thần mà sau đó chẳng dám kể lại với người thân.

Lúc đó cũng chưa có khái niệm đi phượt là gì cả, đời dân mê môtô lắm khi thời gian phơi sương dãi nắng trên đường nhiều hơn ở nhà. Nhiều người không hiểu nổi “mấy ông hầm hố” này đam mê kiểu gì mà lại sống khổ như thế!

Những năm đầu 1990, khách nước ngoài bắt đầu đến Việt Nam nhiều, thông qua những công ty du lịch lớn trong nước để đi du ngoạn, khám phá vẻ đẹp tự nhiên trên mọi miền đất nước.


Dừng chân trên đèo Hải Vân

Khách rất đa dạng, thuộc nhiều thành phần, nhiều giới, nhiều người có máu mê môtô nên khi đi qua những cung đường đẹp, thi thoảng thấy có người đi môtô, không ít khách bày tỏ ý muốn được trải nghiệm cảm giác cầm lái nơi xứ lạ.

Ở nước ngoài đây là một dịch vụ phổ biến, nhưng ở Việt Nam thì thời điểm ấy và cho đến bây giờ, không có công ty du lịch nào dám mạo hiểm để khách tự chạy môtô, bởi có nhiều rủi ro không thể lường được.

Cái khó… ló cái sáng tạo khi người làm tour nghĩ ra cách mời các tay môtô cùng cộng tác để đảm bảo an toàn cho khách. Thế là nhóm anh em Đội Môtô quận 1 được nhắm đến, bởi các thành viên đã được tôi luyện qua mọi địa hình, đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để dẫn đoàn khách nước ngoài đi môtô.

Đoàn khách đi “Tour leader – tour môtô có người dẫn đường” đầu tiên là 50 người khách đến từ Pháp, họ đi xuyên Việt để tìm lại những ký ức của họ và người thân đã từng có mặt trong chiến tranh Việt Nam.

Chuyến đi “trở về” ấy khiến ai cũng xúc động, đội ngũ “Tour leader” có 15 người, ai cũng hồi hộp như chính mình đi môtô lần đầu tiên chứ không phải là khách. Bởi cảm giác trải nghiệm một mình trên xe và khi gánh trên vai việc hướng dẫn rất khác nhau. Đó là một trách nhiệm lớn, không được phép sơ suất khiến các “Tour leader” phải tập trung rất cao.

“Nghề chọn mình nên cũng lắm vui buồn, nhưng rồi lòng tin, sự tín nhiệm của khách làm cho chúng tôi không dứt ra được cái nghiệp đã trót mang. Cái được lớn nhất của chúng tôi là được khám phá, được trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, con người ở nhiều nơi trên đất nước mình. Thấy cả những điều tốt xấu, được mất. Cái khó là công việc này như con đường chưa ai khai phá nên chúng tôi phải tự tìm tòi, hoàn thiện để khách có được những chuyến đi an toàn, thú vị, để lại ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam cho khách nước ngoài. Ngày nào còn bỡ ngỡ làm quen với công việc mới mẻ này, vậy mà đến nay đã 20 năm rồi, nhưng chuyến đi nào cũng cho mình nhiều điều để học hỏi” – anh Bình không giấu cảm xúc bồi hồi khi chia sẻ.

Là nghiệp, bởi anh em trong đội môtô không ai sống bằng công việc làm “Tour leader” mà phải làm việc khác để nuôi niềm đam mê của mình. Anh Bình có cơ sở sửa chữa, mua bán xe môtô, anh Hàm là kỹ sư xây dựng, anh Xinh, anh Mai đều làm kinh doanh, buôn bán…

Khách Tây mê môtô

Khách đi tour môtô đều là những người thích mạo hiểm, từng trải nghiệm cảm giác tự lái môtô ở nhiều nước nên họ ít nhiều đã có kinh nghiệm, chỉ khác nhau địa hình nên cũng dễ làm quen, thích nghi với loại hình du lịch này.



Họ hiểu sức khỏe là yếu tố quan trọng đảm bảo cho chuyến đi thành công nên tự chăm sóc mình rất cẩn thận, lại thường xuyên luyện tập nên sức khỏe của họ rất dẻo dai, ít gặp những sự cố trên đường đi. Còn những tai nạn nhỏ, “đo ván” nhẹ khiến trầy xước tay chân là điều không thể tránh khỏi.

Một người khách Mỹ đã từng bắt tay nói với các anh trước lúc khởi hành rằng “Mình là dân mê môtô, một khi đã ngồi lên môtô rồi thì ai cũng như nhau, đều là bạn bè”. Và ông đã xem các anh trong đội “Tour leader” như bạn bè thật sự chứ không phải người phục vụ mình.

Dân môtô có tính cách chung là mạnh mẽ, phóng khoáng, vui vẻ, biết chấp nhận khó khăn nên cũng rất dễ hòa đồng. Chính vì vậy, từ những ngày đầu còn xa lạ, chưa quen biết nhau, nhưng trải qua hành trình chừng vài ngày, những lúc dừng nghỉ trên đường, cùng chuyện trò, ăn uống là mọi người đã trở nên thân thiết hơn.

Để rồi khi kết thúc hành trình, lần chia tay nào cũng diễn ra trong lưu luyến, bịn rịn. Anh Bình cho biết, nhóm khách ít thì có khoảng chục người, còn nhiều thì năm, bảy chục người, có khi hơn cả trăm người đến từ nhiều nước.

Phần lớn là khách Mỹ,Úc,Canada, Pháp, Đan Mạch… Và đội ngũ “Tour leader” cũng dao động ít nhất là bốn người đến 15 người cho mỗi chuyến đi.


Những “bóng hồng” tham gia “Tour leader”.

Mục đích của khách đến với tour chỉ là được cầm lái môtô chứ không như khách thông thường là thích mua sắm, chụp ảnh… nên họ không mất thời gian cho những việc này. Thỉnh thoảng, họ chỉ mua vài món quà tặng, đồ chơi dễ thương như thú bông vui đùa trên đường đi, kết thúc hành trình họ tặng lại cho các “Tour leader” để làm kỷ niệm.

Cả khách nữ cũng thế. Họ cũng gan dạ, gai góc, có nhiều kỹ năng xử lý tình huống trên đường đi và luôn có tinh thần đồng đội, tính kỷ luật rất nghiêm túc.

Khách nữ chu đáo, trước khi vào bản làng, họ mua bánh kẹo để phát cho trẻ em. Khi mở vỏ bao bánh kẹo cho trẻ ăn xong, họ nhặt bỏ vào thùng rác và dạy các em cũng nên làm như thế. Một hành động nhỏ về ý thức bảo vệ môi trường của khách nước ngoài khiến nhiều người dân Việt Nam phải giật mình xấu hổ.

Có hai du khách tour môtô đặc biệt của kênh truyền hình Discovery đến Việt Nam vào năm 2008 làm tiền trạm cho một chương trình về du lịch khám phá mà các anh luôn nhớ đến về sự bài bản và chuyên nghiệp của họ. Bởi lần đầu tiên có khách đi tour môtô mà mang theo môtô từ Mỹ sang.


Hai con “chiến mã” của hai vị khách mang từ Mỹ sang.

Đó là hai chiếc BMW 1.200 phân khối cùng hệ thống định vị để lập trình đường đi một cách khoa học, chính xác. Có phương tiện nhưng họ vẫn cần đến “Tour leader” dẫn đường.

Cách tiếp cận, khai thác thông tin của họ rất tự nhiên, chân thật, không “tạo hiện trường” như thường thấy ở ta khiến nhiều người “ngoại đạo” như các anh “Tour leader” cũng phải khâm phục cách làm việc của họ.

Những cung đường mạo hiểm

Không ít người Việt Nam trong đời chưa được một lần đi dọc con đường thiên lý Bắc – Nam để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của quê hương, vẻ đẹp của những cung đường tuyệt mỹ được thiên nhiên ban tặng. Vì vậy, với các phượt thủ là “Tour leader”, được đi đã là một niềm hạnh phúc, tự hào không gì sánh bằng.

Cũng một cung đường ấy nhưng mỗi lần đi lại vẫn mang một cảm xúc khác nhau. Và mặc dù đã thông thuộc đường đi, người cầm lái môtô vẫn không được chủ quan vì thời tiết luôn là một cản ngại khó lường.

Anh Bình cho biết, tùy vào yêu cầu và thời gian của khách mà sắp xếp lộ trình cho hợp lý. Thường với tour dài ngày khoảng hai tuần trở lên, đoàn sẽ xuất phát từ TP.HCM đi dọc các tỉnh miền Trung, lên Tây Nguyên, hết lên rừng lại xuống biển rồi lại theo quốc lộ ra miền Bắc, đi lên các tỉnh Đông, Tây Bắc.


Sương mù trên đỉnh Hòn Giao khiến khách phải dừng lại mặc áo mưa.

Còn nếu xuất phát từ Hà Nội thì phải gửi xe từ TP.HCM ra Hà Nội bằng xe lửa, cũng đi các tỉnh miền Bắc rồi về lại TP.HCM. Có khi đi xuyên Việt nhưng khách chỉ chọn những cung đường đẹp để đi môtô, sau đó tiếp nối hành trình bằng ôtô hoặc phương tiện khác.

Chẳng hạn, có đoàn khách đi môtô từ TP.HCM ra Huế, rồi từ Huế bay ra Hà Nội mới đi tiếp bằng môtô lên Tây Bắc.

Ngoài đội ngũ “Tour leader”, chuyến đi nào công ty du lịch cũng phải trang bị xe hậu cần chở hành lý cho khách cùng phụ xe, thợ sửa xe. Phòng khi đoạn đường nào khách muốn lên ôtô nghỉ ngơi thì có thể “đổi tài”.

Anh Mai nhớ lại, những chuyến đi xuyên Việt đầu tiên cùng khách, nhiều đoạn đường còn rất xấu, toàn đá sỏi, lại hoang sơ, vắng vẻ. Đoạn quốc lộ 14 từ Đà Nẵng đi Kon Tum chỉ chạy được mỗi giờ khoảng 10km.

Có khách không dám đi ban đêm, phải dừng lại chờ trời sáng. Với khách nữ, nhiều người sợ nhất là đi qua đường rừng vào mùa mưa bởi con vắt dễ bám vào người hút máu.

Từ năm 2006, đường sá đã thay đổi nhiều, khang trang, đẹp đẽ hơn, không còn những “con đường đau khổ” nữa khiến ai cũng vui mừng. Những chuyến đi gian khổ trước đó vì vậy trở thành kỷ niệm mà các anh chia sẻ cùng khách để họ cảm nhận được những cung đường “nay đã khác xưa”.

Nhóm khách I.D Mug Shots có mười người gồm bốn khách nữ, sáu khách nam đến từ Úc đi xuyên Việt vào những ngày giáp Tết Tây là một chuyến đi thú vị, không quá đông như những chuyến đi “khủng” trước đó rất dễ bị căng thẳng.


Khách mua thú nhồi bông để làm quà lưu niệm

Thời điểm TP.HCM rộn ràng không khí mùa lễ hội, đường sá được trang hoàng và đông đúc hơn nên ai cũng thấy phấn khởi, háo hức chờ đợi chuyến khởi hành đón năm mới. Thủ tục cho khách làm quen với xe để chọn xe diễn ra nhanh chóng tại Thảo Điền (quận 2) và lên đường tại xa lộ Hà Nội thẳng hướng Madagui đến Đà Lạt.

Từ Đà Lạt, đoàn theo tỉnh lộ 723 qua đèo Hòn Giao để đi Nha Trang rồi lại lên Buôn Ma Thuột. Người dân không còn xa lạ với hình ảnh đoàn khách nước ngoài đi môtô, có “tiền hô, hậu ủng”, thi thoảng ghé qua mua bắp, khoai luộc, chuối của người dân bán bên đường, ghé trạm đổ xăng… rồi lại tề chỉnh lên đường.

Từ Buôn Ma Thuột đi phố núi Pleiku, khách được trải nghiệm trọn vẹn cung đường Tây Nguyên, rồi lại xuống thành phố biển Quy Nhơn để xuôi ra Bắc.

Từ Hà Nội, đoàn thẳng lên Yên Bái rồi đến Lào Cai vào buổi chiều muộn. Nghe nhắc đến SaPa- thị trấn trong sương mù là điểm dừng chân sắp đến khiến ai cũng hào hứng hẳn lên. Nhiều người đã tìm hiểu về SaPa trước đó nên tỏ ra thích thú khi cột mốc km bên đường đến SaPa cứ ngắn lại dần.

Lúc này thời tiết đỏng đảnh, thay đổi từng giờ nên dù đã được cảnh báo trước, khách vẫn bị một phen bất ngờ. Số là khách đang thong dong, lỏng tay ga ngắm cảnh đẹp thì đột ngột sụp xuống một cái dốc sương mù dày đặc, khí lạnh tràn về làm người lần đầu tiên trải nghiệm khó tin được hiện tượng này.

Có người sốc thời tiết, không kịp giữấm đã bị sốt. Bà Lyn Casey đã bị trượt té tại cây số 17 đường Lào Cai – Sa Pa. Khi ngồi dậy, bà còn hài hước bằng cách lấy viên đá ghi lên vách núi bà đã té ở đó. Xong rồi bà tiếp tục tự cầm lái, không chịu để cho bạn đồng hành chở mình.

Đến SaPa, mọi người thở phào, ôm chầm lấy nhau trong niềm vui và xúc động vì đã cùng nhau vượt qua một chặng đường dài vất vả. Phút giây ấy thật khó tả.SaPavề đêm nhiệt độ xuống thấp, trời càng lạnh.

Mọi người về khách sạn nghỉ ngơi để tiếp tục hành trình vào ngày mai. Anh Bình cho biết, “Tour leader” có những nguyên tắc không tìm hiểu quá sâu về thân chủ để tập trung cho công việc.

Vì đảm bảo an toàn trên đường đi là việc của các anh, còn dừng lại cho khách tham quan là việc của hướng dẫn. Mọi việc đều được phân định rõ ràng và ai cũng phải hoàn thành, không để khách phải phàn nàn điều gì.

Mỗi điểm dừng, tùy nơi mà khách sẽ có thời gian tham quan, tìm hiểu theo yêu cầu. Còn các anh, mỗi khi dừng, việc đầu tiên là kiểm tra xe với sự hỗ trợ của thợ máy. Phải làm sao để khi khách tiếp tục hành trình thì xe cộ đều “ngon lành”.

Hành trình ở Sa Pa may mắn rơi vào thứ Ba, ngày có phiên chợ Cốc Ly ở Bắc Hà nên dù không nằm trong chương trình, các anh “Tour leader” vẫn đưa khách đi tham quan để thấy được sự độc đáo của văn hóa địa phương.

Chợ chỉ họp mỗi tuần một lần, đồng bào quanh đó mang vật dụng làm được ra bày bán, từ quần áo thổ cẩm đến rau quả, trâu bò… Hàng quán bán những món ăn đặc sản, nổi tiếng nhất là món thắng cố luôn nhộn nhịp khách.

Dù đường xấu, Cốc Ly cách SaPa 60km mà có đến 10km đường rất khó đi nhưng SaPa đã nạp năng lượng cho mọi người nên ai không cảm thấy mệt mỏi nữa.

Sự nhiệt tình của các anh khi không làm khách bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những điều mới lạ khiến cho khách rất vui, họ bảo thích cách làm việc tử tế và chuyên nghiệp như vậy. Chính vì thế mà có du khách khi trở lại, dù qua công ty du lịch nào cũng hỏi “có Mr. Bình đi Tour leader không?”.

“Bác sĩ” của xe – người không thể thiếu trên mọi hành trình

Với “Leader tour”, tour trải nghiệm chinh phục bản thân, chinh phục những cung đường là chính chứ không phải chinh phục tốc độ. Thế nên yếu tố an toàn phải được chú trọng hàng đầu.

Trước khi khởi hành, xe cộ phải được chăm sóc, bảo dưỡng cẩn thận từng chi tiết. Nhưng do địa hình phức tạp, đường xa nên “Tour” nào cũng phải có mặt một người đặc biệt – “bác sĩ” xe môtô.


“Bác sĩ” Trường Giang kịp thời khám chữa bệnh cho xe tại trạm đổ xăng.

Trường Giang là “con nhà nòi” có máu mê môtô, từ mê “vọc” xe mà trở thành “bác sĩ” của mọi “chiến mã”. Tham gia tour từ năm 16 tuổi với vị trí là thợ máy, đến nay anh đã có thâm niên 20 năm trong nghề.

Bình thường anh hay ngồi trên ôtô hậu cần để quan sát đoàn “chiến mã”, nhưng nếu cần thì anh cũng là một “Tour leader” có hạng. Mỗi khi lên, xuống dốc đèo, vào khúc cua, có khi khách chưa quen xe nên chưa nhận biết những dấu hiệu chớm bệnh của xe, nhưng anh thì đã nhận ra từ xa và tìm cách xử lý.

Có khi báo với khách để đổi xe, hoặc đến điểm dừng là khám chữa bệnh cho xe ngay. Nhiều lần bắt bệnh chính xác từ xa khiến không chỉ khách mà anh em trong đoàn môtô cũng phải “kiêng nể” tài của anh.


Trên quốc lộ 20 tiến vào Đà Lạt.

Với anh em môtô, niềm vui lớn nhất là được cùng những con “chiến mã” cưng rong ruổi nhiều nơi, những cung đường càng hiểm trở càng thú vị. Với công việc làm “Tour leader”, họ có niềm vui vì có thêm những người bạn mới cùng sở thích, được giới thiệu Việt Nam đến du khách quốc tế bằng một tinh thần rất Việt Nam: chân thành và cởi mở.

Đó cũng là cách mà các anh đóng góp để du lịch Việt Nam thu hút nhiều người biết đến hơn và phát triển hơn.

(Theo DNSGCT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến