Ở An Giang, người Chăm định cư chủ yếu dọc theo hai bên dòng sông Hậu, làng Chăm Đa Phước ở xã Đa Phước, huyện An Phú; làng Chăm Châu Phong ở xã Châu Phong, huyện Tân Châu; làng Chăm Châu Giang ở xã Phú Hiệp huyện Phú Tân…
Nhà của người Chăm được cất bằng gỗ trên những hàng cột cao đến 2-3 mét rất mát mẻ, để vượt lũ và khi lũ rút khô, dưới sàn nhà được sử dụng làm nơi đặt khung dệt, sinh hoạt... Dệt lụa, thổ cẩmchính là một nghề truyền thống, thể hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, độc đáo của Người Chăm An Giang từ xưa, nay.
Người Chăm An Giang không xây tháp như ở miền Trung nhưng ở làng nào cũng có Thánh đường Hồi giáo. Tất cả Thánh đường đều có biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết, cửa và nóc hình vòm, màu chủ đạo là màu trắng, Đặc biệt, bên trong Thánh đường lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng và thoáng mát dù không chiếu sáng đèn và bật quạt. Nhờ dãy hành lang rộng xung quanh, mái vòm cao và nhiều cửa sổ lớn. Tùy theo mỗi làng mà quy mô Thánh đường lớn nhỏ khác nhau, nhưng kiến trúc của các thánh đường đều có những điểm chung.
Là đồng bào theo đạo Hồi, người Chăm An Giang không ăn thịt heo, chỉ ăn thịt bò. Món ăn truyền thống mang bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của họ là cà ri và cà púa. Cà ri có xuất xứ từ Ấn Độ, còn cà púa thì từ Thái Lan. Khi làm cà púa, ngoài việc cho gia vị mạnh và cay hơn cà ri, người ta còn cho thêm đậu phộng.
Bà con Chăm rất thân thiện và hiếu khách, con gái Chăm thướt tha, duyên dáng trong trang phục xà-rông, có khi được cách điệu thành bộ váy cùng tông màu rất đẹp. Đặc biệt là các thiếu nữ lúc nào cũng có chiếc khăn choàng đầu được thả lơi hoặc cột gọn bao trùm mái tóc với những họa tiết, hoa văn rất trang nhã và quý phái. Đàn ông thì mặc xà-rông kẻ sọc ca-rô, áo sơ-mi... và lúc nào cũng có chiếc nón vải tròn đội đầu. Chuyện những cô gái Chăm bị “cấm cung” chỉ quanh quẩn bên khung dệt, không được ra ngoài, không biết mặt người chồng tương lai... đã không còn, con gái Chăm ngày nay đã hoàn toàn đổi khác. Các cô gái đều được hoà nhập vào cộng đồng, đến trường và tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương.
Lễ Ramadan của người theo đạo Hồi thường được gọi là “tháng ăn chay” hay “tháng nhịn ăn”; Ramadan cũng là tên gọi cho tháng thứ 9 của lịch Hồi Giáo (lịch Hijra). Trong tháng này, đồng bào Chăm theo đạo Hồi phải nhịn ăn, nhịn uống từ 5 giờ kém 15 phút sáng đến 6 giờ kém 15 phút chiều và phải đến thánh đường cầu nguyện 5 lần. Nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo chưa đủ ăn, đủ mặc; đồng thời, rèn luyện cho con người sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất... Riêng người bị ốm đau, trẻ dưới 5 tuổi hoặc khi đi du lịch đến các nước mà đạo Hồi không là Quốc giáo thì được miễn nhịn ăn vào ban ngày. Cộng đồng người Chăm ở An Giang hầu hết theo đạo Hồi nên cũng thực hiện theo quy định của đạo. Vừa chấm dứt tháng Ramadan ngày hôm nay, thì sang ngày hôm sau, tức ngày thứ 31, người Chăm sẽ được ăn uống thoả thích, mặc những bộ quần áo đẹp đón Tết cổ truyền Roya, đây là dịp người ta tha thứ lỗi lầm cho nhau, bỏ qua những điều không tốt của năm cũ để bước vào năm mới đầy những niềm vui. Những ngày này là những ngày vui vẻ nhất của bà con Chăm; đi đến đâu cũng thấy nhà nhà tề tựu đông đủ người thân sau một năm xa gia đình. Không khí ngập tràn niềm hạnh phúc.
Nhà người Chăm An Giang |
Theo đường tỉnh lộ 91 hướng Châu Đốc qua cầu Cồn Tiên, khách sẽ đến với Làng Chăm Đa Phước, ở đây không chỉ nổi tiếng nhờ những ngôi thánh đường uy nghi, hay một địa thế đẹp ngay ngã ba sông Châu Đốc và sông Hậu mà còn được biết đến như một làng du lịch đậm đà bản sắc dân tộc. Tại đây, khách sẽ được chiêm ngưỡng những đôi tay khéo léo của các cô gái Chăm dệt thổ cẩm bên khung cửi và chọn mua những món quà lưu niệm cho người thân, được bố trí những điểm nghỉ ngơi thú vị, mát mẽ, chiêm ngưỡng phong cảnh sông nước hữu tình và thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng sông nước An Giang
Để đến làng Chăm Châu Phong ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu khách có thể đi bằng hai đường: Một là qua phà Năng Gù, theo tỉnh lộ 954, qua Phú Tân rồi lên Tân Châu để đến Phũm Soài; hai là theo Quốc lộ 91 hướng từ Châu Đốc, qua sông Hậu bằng phà Châu Giang rẻ trái theo hướng Tân Châu sẽ đến làng Chăm. Tân Châu đã từng là “thủ phủ” của nghề dệt lụa ở miền Tây Nam Bộ với nhiều mặt hàng như xà rông, khăn, choàng… được đi bán khắp nơi trong nước và nước ngoài. Sản phẩm truyền thống dệt thổ cẩm Chăm của Hợp tác xã dệt - thêu - đan Châu Giang ở Phũm Xoài được khách hàng đặc biệt ưa chuộng. Du khách sẽ tha hồ lựa chọn những sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo, đầy màu sắc để làm quà cho người thân, bạn bè.
Trong số những Thánh đường đẹp nhất ở An Giang, phải kể đến Thánh đường Mubarak ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân (An Giang). Khách cũng theo tỉnh lộ 91 hướng Châu Đốc qua phà Châu Giang, rẽ trái vài trăm mét, du khách sẽ thấy ngay Thánh đường Mubarak. Đây là công trình có kiến trúc rất giống với các Thánh đường tại các nước Hồi giáo với những mái vòm, 4 tháp ở 4 góc. Được biết, công trình do kiến trúc sư người Ấn Độ Mô-ha-mét A-min thiết kế và xây dựng, hoàn thành vào năm 1992, được xem là công trình kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Chăm ở An Giang.
Bên trong thánh đường Chăm |
Đến làng Chăm Châu Giang, khách sẽ được thưởng thức món ăn đặc sản “lạp xưởng bò” hay còn gọi là “Tung lò mò”. Thịt bò vụn (có người làm ngay bằng thịt bò ngon như: đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương), sau khi loại bỏ hết gân và bầy nhầy, xắt nhuyễn, bằm chung với mỡ bò, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường… cùng một vài loại gia vị bí truyền. Ruột bò lộn bề trái, cạo, rửa nước muối thật sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Thịt trộn xong, để cho thấm, dồn vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 3 đốt tay, tròn cỡ ngón chân cái, phơi chừng ba nắng là được. Nhưng bí quyết để lạp xưởng bò trở thành món ngon độc đáo hơn là nhờ có trộn lẫn cả cơm nguội, khi lên men cho vị chua đặc trưng. Có thể nướng (kilete) hoặc chiên (chuh) lạp xưởng bò để thưởng thức, nhưng nếu nướng phải nướng bằng than đước, lửa vừa phải, nếu chiên thì đỗ nước vừa ngập, cho lửa nhỏ đến khi khô nước và cho lạp xưởng vàng là tuyệt vời. Vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay nồng, lại nghe vị ngọt giòn thơm của rau sống, cần ống, vị chua của khế, vị chát của chuối sống tan thấm trên mặt lưỡi, ngon lạ thường. Hiện nay, người kinh ở An Giang cũng rất ưa chuộng với món khoái khẩu này.
Tung Lò Mò (Lạp xưởng bò) đặc sản của người Chăm An Giang |
Đến với những làng Chăm An Giang, du khách sẽ hiểu hơn về một cộng đồng dân tộc nơi đầu nguồn con nước Cửu Long này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét