Đồi Tức Dụp - huyền thoại và lịch sử
Tức Dụp thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, là một ngọn đồi của dãy núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), cách Thị trấn Tri Tôn vài ki-lô mét. Tuy là một ngọn đồi nhỏ, cao khoảng 300m, nhưng có địa hình hiểm trở, với nhiều tảng đá dựng cheo leo tạo thành những lò ảng (hang trên núi) ăn luồn nhau như tổ ong. Nhờ đặc điểm ưu việt này, Tức Dụp còn được mệnh danh là ngọn đồi “2 triệu đôla” là giá trị của bom đạn mà Mỹ cương quyết ném xuống để san bằng ngọn đồi, bất lực trước tinh thần kháng chiến dũng cảm và mưu trí của quân dân An Giang, Tức Dụp đã trở thành một căn cứ kháng chiến nổi tiếng trong thời kỳ chống Mỹ.
Đồi Tức Dụp |
Truyền thuyết về một ngọn đồi
Tương truyền, trong đêm trường hoang mạc của đất trời, các nàng tiên giáng thế ngự trên đỉnh Cô Tô dạo chơi, tắm giặt và hay trêu đùa cùng nhau bằng các trò như ném đá, tạt nước.. đã làm cho các hòn đá rơi chồng chất lên nhau thành ngọn đồi, bên trong đồi là lòng lò ảng với chi chít hang động, như một tổ ong vĩ đại mà các vòm thông nhau bởi muôn ngàn ngõ ngách và kẹt đá. Những dòng nước trêu đùa của các nàng tiên trở thành dòng suối đã chạy qua lòng đụng đá rơi, gọi là dòng suối Thâm-mơ Đâm-ray, từ đó tại nơi này suối và đồi có mặt và nằm bên chân núi Cô Tô bạt ngàn trong dãy Thất Sơn hùng vĩ, tự hàng nghìn năm, núi đồi vẫn thế.
Qua nhiều thế kỷ, nhiều người tìm đến vùng này khẩn hoang mở đất. Với cái nóng cháy da của mùa hạn, với cơn khát nước đến thiếp đi vì thiếu nước, trong cơn mơ các cụ tổ đã nghe tiếng róc rách của suối và khi tỉnh giấc cũng là lúc bình minh rực sáng bên kia ngọn đồi. Từ cái đêm khô khát, các cụ tổ đã tìm ra nguồn nước và ngọn đồi có nguồn suối chảy qua, được gọi là đồi Tức Dụp, theo tiếng Khmer gọi là Nước Đêm.
Tức Dụp và hang kháng chiến trong lòng Đồi |
Thuở ban sơ, đồi Tức Dụp không dấu chân người, trong lòng lò ảng là nơi trú ẩn của thú rừng, trên ngọn đồi với vô số các loài dây leo, chùm gởi rất u minh thanh vắng. Khi Tức Dụp đã hình thành làng mạc, phum sóc, thì người dân nơi đây gọi ngọn đồi Tức Dụp là ngọn Đồi Thiêng - nơi cho nguồn nước của Trời - một trong những yếu tố để duy trì sự sống của vạn vật và các loài thú rừng, chim muông. Vào các ngày lễ hội, các già làng, sư sãi thường mang lễ vật đến tế cúng thần linh, trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc.
Lịch sử đấu tranh của người con vùng Bảy Núi
Gánh trên đôi vai sứ mệnh của dân tộc, những người con của Tức Dụp đã trỗi dậy đánh giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Trong suốt thời gian dài từ những năm 30-40 của thế kỷ XX, Tức Dụp đã mang trong mình một ngọn lửa đấu tranh của cách mạng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, có biết bao người đặt chân lên ngọn đồi Tức Dụp - họ là những chiến sĩ cộng sản hoạt động trong suốt thời gian dài và được địa hình hiểm trở nơi đây yểm trợ, nên bọn thực dân Pháp và bọn tay sai không phát hiện được nơi trú ẩn của các chiến sĩ cách mạng và cũng không dám càn quét, truy lùng. Và đến đầu những năm sáu mươi, Tức Dụp đã trở thành thành lũy vững chắc – là căn cứ địa cách mạng. Tuy là ngọn đồi nhỏ, nhưng nó là điểm đỏ trong bản đồ quân sự của Mỹ ngụỵ: chúng cho rằng, Tức Dụp là “nơi trú ẩn của bọn đầu sỏ Việt Cộng tỉnh Châu Đốc”. Quả là không sai, nơi đây chính là nơi hội họp, liên lạc, ăn nghỉ, là kho vũ khí, đạn dược, lương thực, trạm quân y... Tức Dụp là cơ quan làm việc của hàng trăm chiến sĩ cộng sản Tỉnh ủy An Giang, huyện Tri Tôn, nơi tránh bom rơi, đạn nổ, nơi trú ngụ của những người vợ theo chồng, những người con theo cha đi đánh giặc và cũng là nơi mà những người chiến sĩ cộng sản đã nằm lại mãi mãi trong lòng đất mẹ.
Mô hình họp bàn triển khai chiến dịch kháng chiến |
Nói sao cho hết được tầm quan trọng của ngọn đồi lịch sử, ký ức hào hùng của đồi Tức Dụp vào thời kỳ ấy! Tức Dụp là chiếc cầu quan trọng cõng các binh đoàn từ miền Bắc vào Nam, bằng hành lang biên giới đất bạn Campuchia vào miền Tây Nam bộ, để làm nên những chiến thắng lẫy lừng, vậy là trong chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của chiếc cầu nối Tức Dụp, của vùng Thất Sơn hùng vĩ. Và cũng chính nơi đây đã nuôi dưỡng những nhân tố quan trọng, nhất là đào tạo, bồi dưỡng biết bao cán bộ nòng cốt trong thời kỳ đấu tranh nóng bỏng, trong cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Sau Tết Mậu Thân 1968, bọn giặc đã tập trung đánh phá vào các làng mạc, thôn xóm và Tức Dụp cũng không ngoại lệ. Bằng những cuộc không kích trực thăng và đạn pháo, quân đội Mỹ đã trút giận xuống Tức Dụp và các vùng lân cận, làm cho nhiều đồng bào bị thiệt mạng, số còn lại sống trong cảnh màn trời chiếu đất và Tức Dụp đã gồng mình đội pháo, chịu bom với hàng ngàn tấn thuốc nổ, trong đó có các loại đạn pháo chuyên dùng có sức công phá dữ dội nhất, đã làm cho 2.000m2 đất của ngọn đồi không nơi nào mà không có dấu vết của bom đạn. Tấm áo thiên nhiên màu xanh của đồi Tức Dụp đã rụi tàn, Tức Dụp trơ trụi, trên mình không còn ôm lấy một sợi dây leo hay một màn rêu mỏng. Tức Dụp chỉ duy nhất còn lại trong lòng ngọn núi những chiến sĩ cách mạng kiên trì bám trụ trong hang động một lòng đội pháo chịu bom, quyết trụ lấy địa bàn chiến đấu.
Đường đi quanh đồi đến các hang kháng chiến |
Và những cuộc chiến không cân sức
Chiến lược bình định của Mỹ Ngụy, năm 1968, chúng dồn dân vào ấp chiến lược để chiếm địa thế tấn công Tức Dụp. Quyết không chịu bỏ nhà cửa ruộng vườn, người dân nơi đây đã chống cự và bọn giặc gây ra bao cảnh đau thương, chết chóc, nhưng với thế lực và vũ khí hùng mạnh, bọn chúng đã xóa sạch các phum sóc, bọn Mỹ ngụy do Trung tướng Mỹ Ét-ca đã đưa 18.000 quân bao vây chiếm đánh đồi Tức Dụp. Với tuyên bố “Chiếm tam giác sắt Củ Chi mà chưa chiếm được Thất Sơn, trong đó có căn cứ quan trọng của cộng sản là Tuk Chup, thì coi như người Mỹ chỉ mới đứng một chân; đối phương sẽ hất người Mỹ ra khỏi đất nước Việt Nam lúc nào không biết”.
Trong suốt 128 ngày đêm, đến cuối tháng 3.1969, phía Mỹ ngụy có Sư đoàn 9, Sư đoàn 21 bộ binh luân phiên trực chiến, quân cơ động thuộc căn cứ Ba Xoài, và quân trường Chi Lăng, các tiểu đoàn địa phương quân, nhiều tiểu đoàn Biệt động quân, Biệt kích dù, Biệt kích Mỹ, hai Tiểu đoàn quân Đại Hàn, một Thiết đoàn M.113 (36 chiếc) một Lữ đoàn pháo binh với 6 trận địa pháo 105 ly đến 155 ly, 12 khẩu đại bác đặt ở các vùng lân cận ngày đêm bắn phá vào Tức Dụp. Trên không với hàng trăm phi vụ ném bom của pháo đài B52, B57, F4...
Quái vật B-52 |
Phía quân cách mạng chỉ không đầy 40 người còn trong hang đồi Tức Dụp, trong đó bao gồm những người phục vụ chiến đấu của Huyện đội và Huyện ủy Tri Tôn, cùng với vũ khí là lựu đạn do công trường Cây Mít – Cô Tô cung cấp; các chiến sĩ được trang bị súng trường, tiểu liên, trung liên vài khẩu B40 cùng với một số chiến lợi phẩm.
Cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch chiến đấu giành từng hang động. Chúng liên tục huấn luyện các chiến thuật mới cho các binh sĩ, trong đó có chiến thuật bám đá lòn hang và chúng phải trả giá cho những chiến lược điên cuồng ấy. Các chiến sĩ của ta tuy quân ít, vũ khí thô sơ, nhưng với lợi thế về địa hình hiểm trở đã lòn lách theo các vách đá và lòng hang, dùng lựu đạn tự chế và súng trường bắn trả đã gây nhiều tổn thương cho quân thù trong suốt 128 ngày đêm. Và cuối cùng, để bảo toàn lực lượng, Tỉnh ủy An Giang đã ra lệnh cho các chiến sĩ trong hang rút quân an toàn ra khỏi trận địa.
Tượng đài chiến thắng |
Hòa bình lập lại, đồi Tức Dụp từ một ngọn đồi trọc, không còn vết tích của sự sống do hậu quả của bom đạn chiến tranh, nay đã bắt đầu trở lại màu xanh cây lá và trở thành một di tích lịch sử được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng. Với phong cảnh hữu tình, nằm bên cạnh ngọn núi Cô Tô hùng vĩ, đồi Tức Dụp luôn tấp nập du khách đến tham quan trong những dịp lễ, Tết,... để xem những chiến tích xưa, được hít thở không khí trong lành, chiêm ngưỡng cảnh núi non trập trùng. Đến đây, du khách có thể tham quan những địa danh như: hang C.6, hang Quân y, hang Thanh Niên, Hội trường Tỉnh ủy,... Đồi Tức Dụp ngày nay là một di tích lịch sử nhằm giáo dục cho thế hệ sau này và xứng đáng là khu tham quan, giải trí lý tưởng, đúng như lời khen ngợi của những người đã từng một lần đến đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét