Những du khách hành hương đến viếng chùa Bà Núi Sam, cách đó khoảng hơn 20km dọc theo quốc lộ 91 về hướng Nhà Bàng, du khách sẽ thật sự đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên còn đó dáng dấp hoang sơ, huyền bí. Và trên con đường đi Dốc Bà Đắc, Thới Sơn, Tịnh Biên, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy cái mõm đá hình mỏ Két thật oai nghiêm bên vách núi đá dựng đứng. Đấy chính là Anh vũ sơn - ngọn núi linh thiêng.
Núi Két |
Anh vũ sơn mà dân gian quen gọi là núi Két hay núi Ông Két, đây là một trong bảy ngọn núi nổi tiếng ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Không biết tự bao giờ, người dân địa phương đã truyền tụng với nhau câu ca
" Tịnh Biên ơi! Thất Sơn hùng vĩ
Địa danh Thất sơn đã ăn sâu vào tâm thức của người dân tự bao đời. Dù đi đến nơi đâu, người dân địa phương luôn nhắc nhau rằng " không ở đâu bằng quê mình, vừa có núi vừa có đồng bằng…thiên nhiên thật ưu ái con người. Linh thiêng lắm!". Từ trẻ nhỏ đến người già, ai cũng biết được một vài mẫu chuyện huyền thoại về từng ngọn núi gốc cây nơi đây. Còn nhớ, lũ học trò tụi tôi, chẳng ngại nắng gió hễ có thời gian hoặc nhân dịp ngày lễ, tết, chúng tôi leo một mạch đến tận đỉnh núi Ông Két. Vừa leo núi vừa hát hò "núi cao thì mặc núi cao, nhưng núi cao quá thì ta đi "dìa"…", có đứa còn ngẫu hứng ngâm nga bài thơ " Mới ra tù tập leo núi" của Bác nữa. Đặc biệt nhất vẫn là việc dù cơ thể mệt mỏi rã rời cũng phải gắng mà nói " Ông Két ơi! Con khỏe quá, khỏe..!". Điều tối kỵ của việc leo núi là than vãn, nói lời văng tục và hái trộm cây trái ven đường. Người lớn thường căn dặn bọn con nít như vậy. Núi non là một nơi linh thiêng, nếu đã hứa đến viếng thì phải đi, không được khất lần "Ông Két linh lắm!".
Đỉnh núi Ông Két |
Thuở nhỏ, bọn chúng tôi rất thích nghe kể những mẫu chuyện về "sự tích núi Ông Két". Nghe đâu ngày xưa trên ấy có chư tiên giáng thế và có rất nhiều loài thú hoang dã sinh sống. Bởi vậy ngày nay trên đỉnh núi két còn đó những dấu tích mà dân gian đặt cho cái tên như Sân tiên, Giếng tiên, Điện ông Hổ, Điện ông Năm, hàm ếch….Trí tò mò của con nít đã thôi thúc chúng tôi thường xuyên viếng núi để tìm hiểu. Đi riết rồi đứa nào cũng thuộc đường đi lối về. Những du khách phương xa đến viếng núi thì chúng tôi sẵn sàng dẫn đường mà chẳng tính công. Vì đây là việc làm gieo phúc đức lớn, ý nghĩa lắm!
Giếng Tiên |
Một lần nọ, tôi đã cảm thấy mình thật sự có phúc. Ông Năm, rất già, rất khỏe, rất minh mẫn tu tập tại một cái điện cổ xưa ở giữa lưng chừng núi, ông đã kể cho tôi nghe về cái tích "Chú chim anh vũ bay đến cứu nạn cho dân chúng, sau đó chim bay đậu trên ngọn núi này rồi kêu lên ba tiếng thật lớn và hóa đá...". Ông còn giảng dạy cho tôi rất nhiều về phật pháp, về đạo làm người, lối ứng xử hòa nhã giữa người với người và ông khuyên tôi hãy nhớ tích cực làm việc thiện, có ích cho mọi người, hiếu thảo với ông bà, mẹ cha. Ngay lúc ấy, tôi nào biết trước mặt tôi là một ông Năm đã từng bị sét đánh đến lần thứ ba. Ông bảo " cái số, phước mạng và căn duyên, con có đức tin không?". Ít lâu sau ông Năm viên tịch, từ đó mọi người vẫn quen gọi cái điện được tạo nên bởi hai tảng đá xếp chồng hình vỏ hến ấy là "Điện ông Năm". Phía trước Điện ông Năm có một cây Sao, cây Sao ấy thẳng và cao gần 40m.
Điện thờ trên núi |
Ngày nay, núi Ông Két được tôn tạo xem như là một khu du lịch. Du khách đến đây có thể ngủ lại qua đêm tại nhà nghỉ, có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thiên nhiên từ những dòng sông uốn khúc quanh những cánh đồng đến những cánh rừng tràm xanh thẳm và càng thú vị hơn là có thể nhìn sang nước bạn - Campuchia. Đối với khách hành hương, họ đến viếng núi Ông Két còn để sống trong một thế giới an lạc, tịnh tâm; cầu mong mưa thuận gió hòa và dường như họ còn gởi cả những phiền muộn, vất vả của đời thường hòa vào gió núi linh thiêng….
Chuyện kể về ông Đình Tây dưới chân núi Két
Ông Đình Tây tên thật Bùi Văn Tây là một trong nhiều đệ tử giỏi của cụ Đoàn Minh Huyên (Đức Phật Thầy Tây An). Hằng năm, Phước Điền tự thu hút đông đảo người dân khắp các tỉnh ĐBSCL đến cúng viếng. Tương truyền cho rằng, vùng Thất Sơn xưa kia khét tiếng hùm beo, thú dữ. Và, câu chuyện ly kỳ về ông Đình Tây thuần phục cá sấu hoang 5 chân, mũi đỏ (còn gọi là ông Năm Chèo) đã được truyền miệng khắp vùng.
“Bà mụ”… bất đắc dĩ
Ghé thăm khu mộ ông Đình Tây, chúng tôi tìm gặp bà Hồ Thị Cưng, cháu ngoại đời thứ tư của ông Đình Tây đang trông coi hương khói và những hiện vật bắt cá sấu 5 chân còn lưu giữ lại. Chỉ về lưỡi câu to và 2 chiếc lao bén ngót, bà Cưng kể: “Ông ngoại tôi hồi đó là đạo sĩ đệ tử thứ 3 của cụ Đoàn Minh Huyên. Trong một lần tới vùng đất Láng Linh bốc thuốc trị bệnh, bỗng dưng trong căn nhà lá lụp xụp có tiếng rên la của một phụ nữ đang chuyển dạ. Ông ngoại tôi nhìn quanh vùng hoang vu, chẳng có ngôi nhà thứ 2. Thấy người phụ nữ đau đớn chuẩn bị sanh mà không có chồng ở nhà. Trước hoàn cảnh đáng thương ấy, ông đã xắn tay áo vào nhà giúp người phụ nữ kia sinh nở an toàn. Cũng ngay hôm đó, vừa về đến nhà thấy vợ mình sinh mẹ tròn con vuông, ông chồng lập tức đến ôm vợ con mừng rơi nước mắt. Sau đó, bà vợ nói với giọng yếu ớt: “Nhờ ông Đình Tây mà mẹ con em mới sinh được an toàn như vầy…”.
Bà Cưng bồi hồi kể tiếp: “Ông ngoại tôi nói, ngày trước vùng Láng Linh đồng hoang vu, thú rừng, cá tôm nhiều vô kể. Nhà vợ chồng của người nông dân ấy rất nghèo. Hôm đó, ổng để vợ ở nhà một mình để đi săn mong kiếm được thú rừng, cá tôm về bán để lo tiền cho vợ sinh nở. Nào ngờ, ngay ngày ông ngoại tôi đi hành thiện thì bà vợ lâm bồn. Lúc về nhà ổng quảy chiếc rọng với đầy đủ cá, tôm… Thế nhưng, thật kỳ lạ là hôm ấy trong chiếc rọng có một con cá sấu to bằng cườm tay, đặc biệt có đến 5 cái chân, mũi đỏ chót. Để đền ơn ông ngoại tôi, người nông dân ấy nói: “Không có gì quý giá để tạ ơn ông, đêm hôm qua trong chuyến đi săn, tôi bắt dính con cá sấu, nay biếu cho ông làm quà kỷ niệm…”. Nhìn con cá sấu có hình thù kỳ quái, ông ngoại tôi thích thú liền mang về nuôi…”.
“Nghiệt thú” 5 chân
Khi mang con cá sấu về, ông Đình Tây mới trình với Đức Phật Thầy. Lúc đầu tưởng là con cá sấu bình thường, nào ngờ khi giở nắp rọng ra, Đức Phật Thầy lắc đầu, khoát tay bảo ông Đình Tây không nên nuôi con “nghiệt thú” ấy, sau này sẽ làm điều hại dân. Không nghe lời răn của sư phụ, ông Đình Tây lén lút đem con cá sấu 5 chân thả ở một góc hồ sen trước sân đình. “Hằng ngày, trời sụp tối ông ngoại tôi mang chuối, trái cây ra cho con cá sấu ăn. Mặc dù, con sấu “ăn chay”, nhưng vẫn lớn nhanh như thổi. Thấy con sấu càng lớn, càng hung hăng, ông ngoại tôi mới dùng dây xích trói một chân, không cho nó thoát ra khỏi hồ”, bà Cưng nói.
Đêm tháng 8 trời trở chướng, mưa to, giông giật, sấm chớp, con sấu đã sổng dây. Sáng ra, ông Đình Tây mới phát hiện con sấu mất. Khi kiểm tra sợi dây trói thì ông Đình Tây thấy còn dính lại một chân con sấu. Lần theo đường mòn sau đình, biết chắc là con sấu đã đi xuống nhà dân, sau đó ông mới bẩm với Đức Phật Thầy. Được sư phụ trao cho món bảo bối gồm: 2 cây lao, 1 cây mun cổ phụng, 1 lưỡi câu và 1 sợi dây, ông Đình Tây cùng đồ đệ của mình lên đường đi bắt “nghiệt thú”. Nhiều người cho rằng, con cá sấu mà ông Đình Tây nuôi lớn bằng chiếc xuồng, mỗi lần ai chèo ghe ngang trên đồng lũ đều bị con sấu nhấn chìm. Ngoài ra, khi đói, con sấu còn lên bờ đuổi bắt gà, heo, thậm chí còn rượt cả người, gây ra biết bao nỗi kinh hoàng cho người dân. Nhưng điều lạ là mỗi lần nghe tin ông Đình Tây cùng đệ tử xuống tận nơi truy tìm thì con cá sấu trốn mất. Ông Lê Văn Nhưng, người trông coi hương khói ở Phước Điền Tự nói: “Con sấu quá tinh khôn. Ông Đình Tây dẫn nhiều môn đệ đến vây bắt mà vẫn không dính. Sau đó, nó trốn đi mất tăm. Từ đó về sau không nghe mọi người than phiền con sấu này nữa. Sau khi ông Đình Tây viên tịch thì những món bảo bối được gìn giữ trong khung kiếng rất cẩn trọng. Hằng năm, đến ngày giỗ ông Đình Tây nơi đây thu hút rất đông du khách thập phương đến cúng viếng”.
Cho đến nay, trải qua trên 100 năm, nhưng cư dân Nam Bộ vẫn truyền nhau những câu chuyện thực hư về ông Đình Tây và con sấu 5 chân. Họ cho rằng, “sấu thần” đang ẩn mình trên sông Vàm Nao. Ông Huỳnh Văn Điều (ba Thành 81 tuổi), nguyên Bí thư Huyện ủy Tịnh Biên khẳng định: “Nhiều câu chuyện huyễn hoặc, ly kỳ về ông Đình Tây đã phần nào nói lên được lịch sử hình thành và tính cách hào phóng của con người Nam Bộ thời khẩn hoang. Ngày nay, tiếp bước cha ông, người dân Thới Sơn anh hùng tự hào về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng để xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét