Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Bình Tiên - Sơn Hải - Kê Gà có gì lạ? (P5)

(Tiếp theo) - Thành phố Phan Rang -Tháp Chàm (thường được gọi tắt là Phan Rang) là tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Thuận.
Phan Rang cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km, cách Đà Lạt 110 km, cách Nha Trang 105 km và cách Hà Nội 1.388 km.

< Chỉ là một ngọn núi nhỏ trông ra bãi biển Ninh Chữ nhưng Phụng Hoàng là một ngọn núi đẹp, có hình dáng như chiếc bát úp.

Danh từ 'Tháp Chàm' được ghép thêm theo tên cụm tháp Poklong Garai phía bắc thành phố. Vùng đất này ngày xưa từng là kinh đô Panduranga của Vương quốc Champa cổ.

< Đường Yên Ninh rộng rãi chạy dọc theo biển Ninh Chữ. Từ đây ra trung tâm thành phố sẽ mất hơn 7km.

Thị xã Phan Rang được thành lập theo đạo dụ của Khải Định ban hành ngày 4 tháng 8 năm 1917. Trước năm 1976, Phan Rang là tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận. Từ 1976 đến 1991, khi tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Thuận (kể cả tỉnh Bình Tuy của VNCH) thành tỉnh Thuận Hải thì Phan Rang không còn là tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận, mà thuộc tỉnh Thuận Hải.

< Rẽ phải vào 16 tháng 4, con đường rộng này cắt ngang khu công viên cùng tên với con lộ thật thoáng đãng.

< Tượng đài Chiến thắng 16-4 tại khu vực Quảng trường 16-4 (thành phố Phan Rang) được khánh thành từ ngày 16.4.2011. Tượng đài được xây dựng trên diện tích 2.730 m2 gồm khối tượng đài và phù điêu cao 24 m, rộng 15,5 m và khán đài 500 chỗ ngồi cùng hệ thống đài phun nước, chiếu sáng và nhiều khu chức năng.

Công trình không những là điểm nhấn trong không gian văn hóa phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa mà còn là nơi giải trí của người dân vào buổi tối.

< Đối diện tượng đài là nhà Bảo Tàng Ninh Thuận. Bảo tàng Ninh Thuận được hoàn thành vào cuối tháng 3-2012 gồm bốn tầng, được xây dựng trên diện tích 32.000m², với tổng vốn đầu tư gần 40 tỉ đồng. Phiền nỗi từ lúc khánh thành, nơi này đã từng mang tên gọi là 'bảo tàng 3 không', độc nhất vô nhị vì không có lối vào cổng, không có bãi giữ xe và không trưng bày hiện vật.
Chả biết hiện này ra sao nhưng mình công nhận thiết kế bảo tàng quá đẹp, tiếc...

< Ghé vườn hoa Phan Rang nghỉ chân, uống nước. Nơi này trong chuyến trước cách đây vài năm mình đã ghé 1 lần. Đây là một chốn bình yên.

< Khách sạn Ninh Thuận nằm phía đối diện.

Ngày 27 tháng 4 năm 1977 thị xã Phan Rang bị chia hai và hạ cấp xuống thành thị trấn Phan Rang, huyện lỵ huyện Ninh Hải, và thị trấn Tháp Chàm, huyện lỵ huyện An Sơn. Thị trấn Phan Rang là địa bàn 6 phường Mỹ Hương, Tấn Tài, Kim Định, Thạnh Sơn, Phủ Hà, Đạo Long của thị xã cũ, còn thị trấn Tháp Chàm là địa bàn 3 phường Đô Vinh, Bảo An và Phước Mỹ của thị xã cũ.

< Nửa kia đây...

Ngày 1-9-1981: Thị xã Phan Rang được tái lập với tên mới là thị xã Phan Rang -Tháp Chàm, theo Quyết định số 45/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời với việc tái lập ba huyện là Ninh Sơn, Ninh Hải và Ninh Phước trên cơ sở 2 huyện An Sơn và Ninh Hải. Lúc đó thị xã Phan Rang -Tháp Chàm gồm 9 phường: Bảo An, Đô Vinh, Phước Mỹ, Phủ Hà, Thanh Sơn, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long, Tấn Tài, và 3 xã: Văn Hải, Khánh Hải và Thành Hải...

< Người đàn ông dân tộc Chăm đang dỗ con ngủ trưa nằm trong địu, xe ca anh đang dựng gần đó.

< Ghé quán Trí Tâm. Bạn còn nhớ nơi này không? Quán chuyên thịt dê Ninh Thuận nằm trên đường Thống Nhất.
Đến Phan Rang mà không 'măm' ông 35 thì hoài của. Chỉ chín mươi ngàn là no nê với món dê né + bia + đậu phọng...

< Trở ngược đường Thống Nhất, ngang qua chợ, hướng về cầu Đạo Long.

Khi tỉnh Ninh Thuận được tái lập (1992), thị xã Phan Rang hợp nhất cùng với Tháp Chàm thành thị xã Phan Rang -Tháp Chàm, đồng thời trở thành tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận.
Đầu tháng 2 năm 2007, thị xã Phan Rang -Tháp Chàm trở thành thành phố theo Nghị định của Chính phủ. Năm 2008, các phường Mỹ Hải, Mỹ Bình và Văn Hải được thành lập. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có 15 phường và 1 xã như hiện nay.

< Cầu Đạo Long đây. Song song với cầu này phía hạ lưu (gần cửa sông Dinh) có cầu An Đông đang xây dựng để kết nối tuyến đường ven biển Ninh Thuận.

< Qua cầu 450m, đến ngã rẽ trái có cây xăng kề cận thì mình quẹo vào. Đây là con đường đi An Hải, Phú Thọ, Sơn Hải...

Phan Rang có nhiều rặng núi bao quanh phía Bắc, phía Nam, phía Tây khiến cho gió mùa Đông-Bắc và gió mùa Tây-Nam là những gió đem mưa tới bị ngăn cản lại trước khi thổi đến Phan Rang. Các rặng núi trọc quanh Phan Rang đều phản chiếu lại nhiệt vào giữa lòng đồng bằng nên khí hậu nóng.
< Thôn đầu tiên trên con lộ này là thôn An Thạnh, mình đang hướng về đấy.
Vài năm trước, đây cũng là đoạn đường mà bọn này đã qua - vậy nhưng khi đến Phú Thọ thì đường quá xấu nên bỏ cuộc, bọn này bèn rẽ vào động cát thôn Tuấn Tú.

< Thôn An Thạnh đây dù chỉ là vùng ven. Trung tâm của thôn khá đông nhà đấy.

Độ ẩm trung bình hàng năm chừng 80% vào các tháng khô khan nhất là từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch. Vào các tháng này, gió thổi rất mạnh. Vì đặc điểm này mà dân địa phương thường ví von "Gió như Phang, Nắng như Rang". Do đặc điểm này nên Phan Rang thích hợp trồng Nho, hành tỏi và có nhiều tiềm năng về điện gió.

< Cây cầu có dốc cao cao bắt ngang sông Lu, dòng sông này sẽ hòa trộn với sông Dinh rồi đổ ra cửa biển.

Khí hậu Phan Rang rất khô và có lẽ là vùng khô hạn nhất Việt Nam. Lượng mưa hàng năm rất ít. Các chất “baz” trao đổi không bị nước mưa cuốn trôi xuống sâu do đó pH của đất rất lớn: thường đất đai có pH trên 6 (những nơi khác do mưa nhiều nên pH của đất trung bình khoảng 5). Có những loại đất đặc biệt nhưng đất kiềm chỉ có ở vùng Phan Rang. Đó là đất cà-giang.

< Qua cầu, qua ngã 3 thôn Tuấn Tú thì gặp đoạn đường đang nâng cấp. Trong chuyến lần trước, đường cũng tốt nhưng nhỏ thôi.

Tỉnh Ninh Thuận còn nhiều di tích kiến trúc cổ của người Chăm là các tháp, các làng nghề truyền thống. Hiện nay, tỉnh còn ba tháp cổ là: tháp Pôklông Garai, tháp Hòa Lai, tháp Pôrômê được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, nơi đây vẫn là điều bí ẩn đối với nến kiến trúc đương đại.

< 'Gió như Phan và nắng như rang' thì có nhưng không quá nóng trong mùa cuối năm: chạy ầm ầm, mặc 2 lớp áo nhưng không có giọt mồ hôi nào.

< Ngã 3 Phú Thọ đây, rẽ phải là đi Sơn Hải - Mũi Dinh...

Tháp PôKlông Garai

Di tích tháp PôKlông Garai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, nằm trên đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 9 km về hướng tây bắc. Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.

< Còn rẽ trái là ra cầu An Đông đang xây dựng: cây cầu sẽ nối liền tuyến đường ven biển Ninh Thuận, cung đường trong tương lai sẽ có những 2 nhà máy điện hạt nhân.

Tháp PôKlông Garai gồm nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau, nhưng hiện nay còn lại ba ngôi tháp xây bằng gạch Chăm. Đó là tháp Cổng (cao 8,56m), tháp Lửa (cao 9,31m) và tháp Chính- tháp thờ vua PôKlông Garai (cao 21,59m, mỗi cạnh rộng hơn 10m).

< Mình rẽ phải đi Phước Dinh, con đường hai năm trước khiến xe mình 'cà tưng' hết mức, giờ phẳng phiu như đại lộ...

Bố cục và cấu trúc của mỗi tháp là cả một công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được chạm khắc trang trí bằng các hoạ tiết gốm, đá với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần. Tất cả công trình chạm trổ, điêu khắc đều phản ánh đầy đủ ý nghĩa về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm.

< ... mặc dù đèn đường, dải ngăn cách, lề đường... vẫn chưa hoàn thiện. Khi hoàn thành: dải ngăn cách là bồn cây, lề sẽ lát gạch đó bạn.

Tháp Hòa Lai

Cụm tháp Hòa Lai còn có tên là Ba Tháp, nằm ven quốc lộ 1A, cách Phan Rang 14km về phía bắc, được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ IX. Cụm tháp được các nhà nghiên cứu phương Tây đánh giá là kiến trúc tháp cổ và đẹp nhất của dân tộc Champa.

< Nhìn bên trái đường, mình thấy biển. đồng cỏ và những đàn bò...

Đáng tiếc là ngày nay tháp chính đã bị sụp đổ, chỉ còn lại tháp Bắc và tháp Nam, nhưng cũng trong tình trạng hoang tàn. Một thân tháp hình khối lập phương khỏe khoắn, nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả hệ thống các tầng tháp nhỏ dần. Các tháp còn lưu lại những hoa văn được điêu khắc rất tỉ mỉ, tinh xảo và tuyệt đẹp trên vòm cửa, trụ ốp, diềm mái...

< Còn bên phải là núi và rừng bụi thấp: một đặc trưng của Phan Rang.

Tháp Pôrômê

Được coi là phiên bản của tháp PôKlông Garai. Có thể thấy sự thừa hưởng có tính sáng tạo rất rõ nét ở công trình nghệ thuật kiến trúc này. Trong đó, Linga tám tay với khuôn mặt của vua thần hóa Pôrômê là một ví dụ. Hình bà Thu Chí (bà Trinh Nữ), vợ của vua ở miếu thờ với bộ ngực tròn, đầy đặn, nở nang và đôi mắt vô cùng sống động của một cô gái Chăm cũng nói lên điều đó.

< Đoạn dự kiến sẽ có nhà máy điện hạt nhân: ngoài biển sẽ có 1 vòng cung đê chắn sóng lớn.

< Nhiều đoạn vẫn đang trong quá trình thi công tường chắn cát, biên lề đường.

Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều bãi tắm sạch đẹp nổi tiếng cả nước như bãi tắm Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy và Bình Tiên. Những đồi cát đẹp được nhiều người biết đến như đồi cát Phước Dinh, đồi cát Tuấn Tú, động cát Nam Cương...
< Thôn Sơn Hải đã xuất hiện phía xa xa trong tầm mắt, ven biển. Còn xa hơn nữa chính là núi Dinh và mũi Dinh.

< Mình rẽ trái theo đường vào thôn Sơn Hải, cũng là một làng chài lâu năm. Ghé vào đây cốt ý thăm một người quen, ghé vào cũng để cho biết...

Ninh Thuận là một tỉnh có điều kiện khí hậu khô ráo, nắng nóng nhất nước. Chế độ khí hậu này rất thích hợp cho các lọai cây trồng và vật nuôi chịu hạn như cây nho, mía đường, cây thuốc lá, cây bông (vải) và các vật nuôi như dê, bò, cừu… Vì vậy, đến Phan Rang bạn không thể bỏ qua món thị dê đặc sản truyền thống.

Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến