Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

9 con đèo lẫy lừng ở miền Bắc

Mã Phì Lèng - Hà Giang, Ô Quy Hồ - Lào Cai, Mã Phục - Cao Bằng hay Khau Phạ - Yên Bái... là những con đèo huyền thoại của dân phượt, với cảnh sắc hùng vĩ và nguy hiểm khi sương giăng trên trùng điệp những vực sâu thăm thẳm.

Đèo Thung Khe - Hòa Bình

Đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng, nằm giữa Cao Phong và Mai Châu của Hòa Bình, trên Quốc lộ 6. Con đèo đi qua những vực đá dựng đứng, không quá dài và quá dốc nhưng nổi tiếng nguy hiểm. Thung Khe buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối.

Đèo Pha Đin – nối Sơn La và Điện Biên

Đèo Pha Đin (hay Phạ Đin) nghĩa là Trời và Đất nằm giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Đèo nổi tiếng đẹp và nguy hiểm. Con đường đèo liên tục với những cua dốc dựng đứng suốt 32km chiều dài.

Dưới chân đèo còn lác đác vài bản, lên gần đến đỉnh đèo thì hầu như không còn bản làng nào nữa. Chỉ có trời xanh và núi rừng thăm thẳm hoà quyện lấy nhau, vô cùng hùng vĩ.

Đèo Xá Tổng – Điện Biên

Đèo Xá Tổng nằm trong vị trí đầy hiểm trở từ Tuần Giáo lên Mường Lay. Con đèo dài 25km với nhiều đoạn không có cọc tiêu lẫn gương cầu. Đường đi trong khung cảnh hoang vắng vì xung quanh đèo không một bóng nhà dân.

Đoạn đèo nay đã được sửa chữa dễ đi hơn. Hoàng hôn trên đèo rất đẹp nhưng cũng chứa đựng hiểm nguy bởi trời sẽ tối rất nhanh mà con đường còn dài phía trước.

Đèo Khau Phạ - Yên Bái

Khau Phạ, có nghĩa là Sừng trời, là con đèo dài nhất quốc lộ 32, dẫn từ Tú Lệ sang Mù Cang Chải. Đèo dài cỡ 30 km, gập ghềnh đá sỏi nhưng không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào.

Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm bởi dễ dàng bị sạt lở do nằm trong vùng đất đỏ bazan, hệ đất yếu. Vào mùa lúa chín tầm tháng 9 tháng 10, hãy đi qua Khau Phạ để thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của lúa trên những thửa ruộng bậc thang.

Đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai

Đèo còn có tên Hoàng Liên Sơn, nối giữa Lào Cai và Lai Châu với chiều dài kỉ lục tới hơn 40km. Nó còn được mọi người gọi là đèo Mây vì độ cao quanh năm mây mù che phủ.

Đèo Ô Quy Hồ chạy quanh dãy Hoàng Liên, nơi có đỉnh cao nhất Đông Dương Fansipan. Con đèo trước kia, khi chưa được làm đường, đầy hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài với rất nhiều câu chuyện truyền miệng khiến người đi qua rùng mình.

Đèo Pha Long – Lào Cai

Được gọi như vậy có lẽ vì có đỉnh đèo chạy qua chợ phiên Pha Long, một xã nhỏ thuộc địa phận Mường Khương – Lào Cai.

Để đến với đèo, người ta phải đi xuyên qua một con đường đất hiểm trở từ Cán Cấu sang.  Đường cheo leo vắt vẻo với đá hộc ngả nghiêng, chạy ngược dòng sông Chảy với chiều dài gần 20 km.

Đèo Bắc Sum - Hà Giang

Nằm giữa Hà Giang và Quản Bạ, đoạn đèo uốn lượn như những lọn vải xếp chồng lên nhau.

Từ Hà Giang lên đường 4D, sẽ bắt gặp đoạn đường đột ngột nhỏ và vòng vèo theo chân núi, cũng là điểm bắt bắt đầu hành trình khám phá cao nguyên đá thú vị. Qua đèo Bắc Sum sẽ đến “cổng trời” Quản Bạ, chiêm ngưỡng danh thắng núi Đôi do thiên tạo thật tuyệt mỹ.

Đèo Mã Pì Lèng – Hà Giang

Mã Pì Lèng có nghĩa là Sống mũi ngựa, nối Mèo Vạc với Đồng Văn, vốn là hai xã xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang. Đèo được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20 do công nhân chủ yếu là người dân tộc H’ Mông làm.

Đèo dài khoảng 20 km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng trùng điệp điệp.

Đèo Mã Phục – Cao Bằng

Sở dĩ có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục.

Từ chân đèo rẽ trái là làng Tổng Cọt – nơi có cây đa già nổi tiếng và phiên chợ trâu ngày chủ nhật, rồi có thể tiếp tục ghé thăm làng cổ Nà Ngắn, đến với cửa khẩu Trà Lĩnh. Hay vượt qua Quảng Uyên rẽ phải là đường đến cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Rẽ trái ngược lên đến với Trùng Khánh, thác Bản Giốc kì vĩ và đường tới Hạ Lang, điểm kì cùng của tỉnh. Đèo cao 620 m, vượt qua bảy vòng dốc để đến được đỉnh, nơi có tấm biển: Trùng Khánh kính chào quý khách.

- Theo Lam Kinh (VnExpress), internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến