Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Món lớ và những câu chuyện tếu

Lớ là món ăn dân dã, bình dị và cũng khá phổ biến của người vùng đồng bằng ven biển Nam Trung bộ, không phân biệt giàu có, sang hèn.

Thông thường người ta chế biến lớ từ hạt bắp (ảnh). Chọn những trái bắp đã cứng hột, nhưng chưa già lắm, đem phơi ngoài nắng tốt. Sau vài ba nắng, dùng tay lẩy lấy hạt rồi đem rang bằng chảo cát.
Hạt bắp đã rang chín phải để vừa nguội rồi mới cho vào cối đá giã thành lớ. Nếu còn nóng hoặc khi quá dịu hạt bắp sẽ dai, khó vỡ vụn khi đem giã. Bột lớ không quá mịn như bột làm bánh ngô, nhưng cũng không lợn cợn nhiều như bắp xay ghế cơm.

Lớ cũng có thể làm bằng nếp rang. Tháng chạp, giáp tết người ta dùng hạt nếp nguyên vỏ rang thành hạt nổ để làm một loại bánh rất độc đáo gọi là bánh nổ. Một số hạt nếp dù đã chín, các vỏ trấu đã sém vàng nhưng vì lý do nào đó không bung ra thành hạt nổ (gọi là nếp lì), sẽ được gom lại rồi đem giã lớ. Cũng có thể chế biến lớ bằng cách nghiền bắp bằng cối xay đá, nhưng theo các bà nội trợ, giã lớ bằng cối giã sẽ chủ động hơn về độ mịn và… vui!

Khi mẻ bột lớ đã mịn ở mức vừa ngon miệng, người ta cho thêm một ít muối, một ít đường vào cối, giã và đảo đều thêm mươi chày là xong. Thông thường lớ được cho vào một tô lớn, hoặc một chiếc thố bằng gốm để cả nhà cùng ăn. Dụng cụ để lấy lớ cho vào miệng là những chiếc lá mít tươi. Trong bữa ăn truyền thống, người Việt không sử dụng nhiều muỗng (thìa), chỉ có vài ba chiếc lá mít dùng xúc lớ là được.

Phải khéo léo trong cách ăn thì mới cảm nhận được hết cái ngon của lớ. Mỗi người lựa cho mình một chiếc lá mít không già mà cũng không non. Đưa ngón cái và ngón trỏ nhẹ nhàng tóm vành lá phía cuống và kẹp lại thành một “chiếc thìa lá” nho nhỏ, xinh xinh. Dùng cái vật dụng rất thiên nhiên ấy nhón một ít bột lớ trong tô rồi đưa lên miệng.

Người ăn khéo, khẽ há miệng, nhẹ nhàng vẩy các ngón tay để bột lớ rơi đúng trên mặt lưỡi. Lớ không cần phải nhai, nếu rơi vào kẻ răng hoặc khoé vòm miệng sẽ tạo cảm giác khó chịu, mất ngon.

Trên mặt lưỡi, hạt lớ từ từ ngấm nước bọt làm cho vị ngọt của đường, vị mặn của muối, vị bùi của bắp kích thích thần kinh vị giác, trong khi khứu giác đón nhận mùi thơm thoang thoảng của bột bắp và lá mít non, mang lại cho người ăn cảm giác vừa khoái khẩu, vừa thích thú.

Thường người ta giã lớ và ăn lớ vào những đêm trăng. Nhà nào giã lớ thì ới thêm hàng xóm cùng ăn cho vui. Không phải ai cũng có thể ăn lớ một cách khéo léo như đã kể ở trên, vì vậy những người ngồi ăn lớ luôn có một tư thế rất đặc biệt. Vẫn là quây quần bên tô lớ, nhưng sau khi đã dùng chiếc thìa bằng lá mít nhón một ít bột, người ta quay đầu, tránh nhìn thẳng mặt người khác, rồi mới hơi ngửa đầu cho lớ vào miệng.

Kể ra thì cũng lạ, nhưng nếu không như thế sẽ lắm khi phiền. Lớ ở dạng bột, nên khi ăn rất dễ bị sặc khiến bột lớ trong miệng phun ra phía trước, hoặc xốc lên mũi người ăn, nhất là khi bất thình lình nhìn thấy hoặc nghe thấy điều gì đó trái khoái, buồn cười.

Thôn quê ngày xưa thường có những người nghịch ngợm, tếu táo. Ở đám hát hố, thỉnh thoảng họ xọ vào đôi câu hát nghịch để thiên hạ cười chơi. Khi mọi người tụ họp đâu đó thì họ ngâm nga vài câu đố tục giảng thanh, hoặc kể một câu chuyện tếu, khiến mọi người không thể nhịn cười. Đang ngồi quây quần ăn lớ, gặp cái người tếu táo ấy đi qua, dù biết rằng sẽ rất “khổ sở”, nhưng người ta vẫn gọi vào. Thậm chí có gia đình còn vui vẻ đánh tiếng “rủ rê” họ từ chiều.

Ăn lớ cũng chỉ là để vui miệng, nên sẽ vui hơn nếu lại được nghe chuyện tếu và trổ tài… nhịn cười, để khỏi bị sặc. Khi thấy hầu như ai cũng cho lớ vào miệng, người tếu táo ấy mới bắt đầu kể chuyện. Ai nấy lắng tai nghe, môi mím lại, quyết chí ta đây chẳng chịu cười. Nhưng khi câu chuyện tới chỗ chẳng còn làm sao có thể nhịn cười thì  tất cả bị cuốn theo, vừa cười, vừa sặc.

Đêm dần sang khuya. Ấm nước chè đã có sẵn trên bàn, mọi người uống nước rồi ai về nhà nấy, chuẩn bị cho một ngày nông sự nhọc nhằn vào hôm sau.

- Theo Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi Online), internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến