Đèo Lò Xo dài 20km thuộc địa phận làng Măng Khen, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Đèo nằm trên tuyến đường quốc lộ 14 (HCM) từ Quảng Nam đi Kontum. Phía bắc đèo Lò Xo là thị trấn Khâm Đức (thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam), qua đèo Lò Xo sẽ vào địa phận các tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk.
Trong lịch sử, đèo Lò Xo là căn cứ chiến lược quan trọng của quân và dân ta, điểm trung chuyển lương thực, vũ khí phục vụ cho chiến trường miền Nam - Tây Nguyên. Trong chiến tranh chống Pháp, đèo Lò Xo từng nổi tiếng bởi nhà tù Đăklei (nơi từng giam giữ nhà thơ Tố Hữu) và những người tù chính trị vượt ngục. Nhưng nổi tiếng hơn cả là những câu chuyện đường rừng với voi đi cả đàn, hổ báo chạy thậm thịch ngày đêm.
< Đường Hồ Chí Minh uốn lượn trong sương mù trên đỉnh đèo Lò Xo (huyện Đắk Glei).
Đến thời kháng chiến chống Mỹ, đèo Lò Xo là trọng điểm vô cùng ác liệt. Tại đây, địa hình hiểm trở, đường đèo dốc quanh co uốn lượn trên các ngọn núi, không có ngày nào máy bay Mỹ không đánh phá hòng cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam.
Cũng vì sự ác liệt của đạn bom, sự thương vong quá lớn của các đơn vị quân đội và thanh niên xung phong mà đèo Lò Xo được mệnh danh là “cối xay thịt”. Những địa danh Asò, P’rao, P’Giằng, Khâm Đức (Quảng Nam), Đăk Glei, Đăk Tô (Kon Tum) được biết đến như những “tọa độ chết” bởi gần 4 triệu tấn bom đạn Mỹ từng đã thả xuống đây.
< Thác nước trước khi đến đèo, cầu vượt thác nên cũng mang tên 'Cầu Thác Nước'.
Khi hòa bình lập lại, nhận thấy vị trí quan trọng nên nhà nước đã đầu tư xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh (QL14) một cách bài bản, hoành tráng và trở thành tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế miền Trung – Tây Nguyên mà trong đó có đèo Lò Xo cũng là điểm phân ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Ngoài ra, đèo Lò Xo còn là điểm giao thoa giữa hai vùng khí hậu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn nên lúc nào cũng có mưa hoặc sương mù ẩm ướt quanh năm.
Đường Hồ Chí Minh từ Khâm Đức sang Đăk Glei qua đèo Lò Xo hôm nay không còn khó khăn như trước, không còn đá hộc hay cỏ cây um tùm nhưng con đèo vẫn đúng như tên gọi. Dù đèo vẫn ngoằn ngoèo cong như cánh cung, thoắt ngoặt gấp khúc tay áo, quanh co xoắn như lò xo lướt qua chân dãy núi Ngọc Linh, xuyên qua vườn quốc gia Ngọc Linh hùng vĩ với xung quanh là rừng già thâm u.
Đèo Lò Xo không quá dốc nhưng có những khúc cua rất nguy hiểm vì rào chắn thấp và vực sâu, đây cũng là nguyên nhân của nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra trên đoạn đèo này. May mắn là ngày nay, đèo đã được xây dựng 2 đường lánh nạn, trong đó có đoạn lánh nạn tại Km 1411. Nhiều tường hộ lan 2 tầng được hoàn thành, góp phần hạn chế tai nạn giao thông ở khu vực này.
Cảm giác khi vượt đèo Lò Xo bằng xe đạp...
< Đồi núi chập chùng nhìn từ đèo Lò Xo.
Nếu ai đã nghĩ đèo Hải Vân nối liền giữa Đà Nẵng – Huế là con đèo hiểm trở và quanh co nhất thì hãy biết rằng nó chỉ bằng một phần của đèo Lò Xo ở Kontum. Chúng tôi đã có cơ hội tận mục sở thị nó, cũng thật không thể tin nổi khi chính chúng tôi đã chinh phục nó một cách ngoạn mục. Những ai ở ngoài cuộc khó có thể hình dung nổi sự hùng vĩ của đèo Lò Xo cũng như trải nghiệm cảm giác chinh phục nó bằng xe đạp như thế nào.
Cảnh vật xung quanh làm ta có cảm giác nơi đây cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, sóng điện thoại mất, rừng cây u ám, núi cao rồi lại núi cao chập chùng, địa hình bị chia cắt rất mạnh. Những con dốc dài và thoải, con dốc nào ngắn nhất cũng khoảng 300m, chủ yếu là 700 – 800m và cao 10%, vô cùng quanh co. Thả dốc mà cảm giác cứ như ngàn cân treo sợi tóc, mới nhìn thôi mà vía đã mất tăm mất tích. Cứ vừa phá sức lên một con dốc, rồi lao như tên bắn xuống con dốc khác lại xuất hiện, chúng cứ nối tiếp hiện ra, dốc nối tiếp dốc tưởng chừng như bất tận.
< Hoàng hôn trên đèo Lò Xo.
Đèo Lò Xo hun hút và thăm thẳm, nhìn rồi hình dung nó như một con rắn hổ mang khổng lồ đang oằn lưng qua khắp các triền núi ở Kontum với độ dài hàng chục cây số. Thật không thể đếm hết có bao nhiêu con dốc, bao nhiêu khúc cua mà chỉ ấn tượng quan cảnh tại đây tuyệt đẹp khó diễn tả hết được...
Du lịch, GO! tổng hợp, ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét