Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Những nơi ăn vặt đông khách ở Hà Nội


Không hiện diện ngoài mặt phố, cũng không cần quảng cáo rầm rộ, những quán ăn dưới đây vẫn thu hút lượng thực khách mà bất cứ quán nào cũng phải mơ ước. Giá có thể rẻ hay cao nhưng nếu đến thưởng thức một lần, bạn sẽ thấy xứng đáng đồng tiền bát gạo.

1. Chè 72 Trần Hưng Đạo

Quán chè thập cẩm ở ngõ 72 Trần Hưng Đạo có tuổi đời gần 40 năm (1976), đã truyền được 3 đời. Một cốc chè ở đây có giá... 35 nghìn đồng, có thể nói là đắt nhất Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, có thể nói chè Trần Hưng Đạo đắt nhưng "xắt ra miếng".



Chè thập cẩm gồm 17 loại hoa quả như mít, nhãn, mãng cầu, trân trâu nhân sô cô la, trân châu nhân nho, nước cốt dừa... Bên cạnh đó, cửa hàng cũng phục vụ trà hoa nhài miễn phí và có thêm món bánh mì thịt quay độc đáo với giá 20 nghìn đồng/chiếc.

Giá khá cao, nhưng những hương vị trong cốc chè thập cẩm nơi đây đúng là khác biệt, không có ở bất kỳ quán chè nào ở Hà Nội.



2. Chè Bobochacha, ngõ 92 Cửa Bắc

Cách đây khoảng chục năm, quán chè bobochacha thực ra cũng nằm ở vị trí "đắc địa" ngay đầu một ngõ lớn (ngõ 92) trên phố Cửa Bắc. Hồi đó, quán chè này kết hợp với tiệm thịt xiên nướng bên cạnh đã rất được lòng các khách xì tin. Nhưng không hiểu vì lí do gì, hai nhà bỗng nhiên trở mặt, nảy sinh tranh chấp rồi quán chè bị chuyển tít vào trong ngõ.



Dù đi bộ không xa hơn mấy nhưng khách vẫn phải mất đôi lần rẽ nữa và nhìn biển chỉ dẫn thì mới tìm lại được quán chè bobochacha yêu thích.

Kỳ lạ là từ ngày chui vào chỗ khuất, quán lại càng đông khách hơn. Đối tượng khách hàng cũng được mở rộng phạm vi, không chỉ còn là những cô cậu học trò mà còn có cả sinh viên hay dân văn phòng mê ăn vặt cùng tìm đến quán.



Có lẽ bởi so với các món chè khác ở Hà Nội thì bobochacha khá lạ, không hề đụng hàng. Có 3 loại chè là: đen, trắng và hoa quả, hương vị dễ ăn, dìu dịu, thanh mát mà giá cả thì hợp túi tiền với dân teen.

Quán nằm trong ngõ đối diện trường Phan Đình Phùng, bán từ tầm trưa đến kh 6h chiều thôi. Giá bán 10 nghìn đồng/1 bát nhưng bạn sẽ phải mất thêm 5 nghìn đồng tiền gửi xe ở bên ngoài.



3. Bánh giò Hồ Tây (trong vườn hoa Lý Tự Trọng)

Nằm ở vườn hoa nối Thụy Khuê và Thanh Niên, quán bánh giò nhìn bình thường và dân dã. Thực khách của quán ngồi trên những chiếc ghế nhựa nóng lòng chờ đến lượt mình. Bánh giò không phải là một món ăn lạ nhưng để tìm được một hàng bánh giò ngon thì không dễ đâu. Chọn cho mình một chỗ dưới bóng cây lộc vừng, ta ngắm nhìn bác chủ hàng khéo léo bóc bánh, cắt chả...




Bánh giò ăn nóng mềm, nhân có nhiều thịt. Đặc biệt một đĩa bánh bao giờ cũng đầy ắp giò chả và dưa chuột. Có 4 loại giò chả: giò lụa, giò bò, giò tai và chả cốm. Quán luôn tấp nập các thực khách trẻ tuổi.

Giá bán 25 nghìn đồng/bánh đầy đủ các loại chả, tuy hơi "chát" nhưng khi nhìn đĩa bánh đầy ụ giò chả, bạn sẽ thấy cũng đáng đồng tiền bát gạo.



4. Bún cá Sâm Cây Si (ngõ Trung Yên, từ Đinh Liệt rẽ vào)

Ngõ Trung Yên nhỏ xíu ngoằn nghèo nhưng có khá nhiều hàng ăn ngon, nổi tiếng. Một trong số đó là quán bún cá Sâm cây si.

Cái tên "Sâm cây si" cũng bắt nguồn từ chỗ bán hàng nằm đúng khúc cua của ngõ, bên cạnh một cây si, còn cô chủ hàng tên là Sâm. Bên ngoài quán trông hơi nhếch nhác vì nằm ở ngõ phố đông xe đi lại.



Nhưng bù lại bún cá ở đây ngon tuyệt. Cá rô phi, rán giòn, miếng cá dày, nước dùng dễ ăn.

Đặc biệt nhất là quán có cả món chả cá viên có 3 lớp, làm từ thịt xay, cá xay và vỏ bằng bột gạo. Mỗi viên chả giá 5 nghìn đồng.

Quán nằm sâu trong ngõ nên nếu muốn ăn, bạn gửi xe ở ngoài phố Hàng Bè rồi tản bộ vào.



5. Quán cháo trai (cuối đường Quán Thánh)

Quán nằm ngay phía sau đền Quán Thánh, cuối đường Quán Thánh. Bát cháo trai ở đây khá đầy. Nếu bạn đi 3 - 4 người chỉ nên gọi 2 bát và gọi thêm một số món khác. Cháo trai giá 20 nghìn đồng/bát, trà đá 3 nghìn đồng/1 cốc.



Một món ăn của quán này cũng được nhiều người ưa thích là bún ốc nguội. Bún ốc nguội nếu có giò, thịt bò, đậu và cả ốc là 45 nghìn đồng. Nếu chỉ có ốc là 30 nghìn đồng.

Giá cả ở đây không rẻ nhưng chất lượng thì tuyệt vời.



6. Bún cá ngõ Hồng Phúc

Vị trí: Ngõ Hồng Phúc, gần bốt Hàng Đậu. Nếu đi đường Hàng Than thì tìm sẽ mất công hơn. Bạn nên đi đường Hàng Đậu, ngõ Hồng Phúc nằm bên tay trái.


Đây là hàng bún lâu năm, được rất nhiều người ưa thích. Quán mở 24/24h nhưng chưa bao giờ vắng khách. Trước kia, ngõ Hồng Phúc chỉ có một hàng bún cá, cùng với thời gian và sự phát triển thì ngày càng có thêm nhiều hàng quán được mở ra để đáp ứng nhu cầu của thực khách.



Phố “bún cá” là một điểm đến hấp dẫn cho những lữ khách chơi đêm. Bát bún cá ở đây khá đầy đặn: thịt cá nhiều và được cắt miếng dày, vuông vức, rán vàng, chả cá mỏng kiểu Hải Phòng tất cả được "nhúng" nước dùng chua dịu vô cùng thơm ngon. Thêm vào đó, hàng có thêm đặc sản là đầu cá rán giòn, chan chút nước dùng chua chua, thêm dọc mùng, nhâm nhi cũng rất hợp rượu.

Một điểm cộng cho bún cá Hồng Phúc là giá cả không có sự chênh lệch như những hàng ăn đêm khác. 30.000đ/bát là số tiền bạn phải trả cho một bát bún hấp dẫn này.




7. Chả nhái Khương Thượng

“Tổ” của món chả nhái chính là Làng Khương Thượng. Chẳng thế mà ngày xa xưa người ngoài gọi làng này là làng “xẻ ruột, lột da” để ám chỉ về cách chế biến món nhái, ếch, chão chuộc của người trong làng.

Cửa hàng nhà chị Hà Khuê, với tuổi đời 70 năm là đông khách nhất. Quán chỉ bán từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều.
Gọi là cửa hàng cho oai chứ chị làm chả nhái và bán luôn tại nhà, chỉ phục vụ những nhóm khách ăn từ 6 người trở lên. Khách mua về cũng rất đông, nhiều buổi xếp hàng chật cả ngõ.



Các món chế biến từ nhái được gọi bằng những cái tên khá ngộ, đôi khi hơi tục: Đùi nhái chiên giòn là món quần đùi, nhái tẩm ướp rán cả con là món nude, nhái tẩm bột chiên giòn cả con là món "quần dài", nhái băm chả gọi là trải chiếu.

Nếu đi đông người, tầm giá ăn trung bình là 50 đến 80 nghìn đồng/người. Bà chủ ở đây hơi khó tính, tốt nhất các bạn nên mua về nhà ăn.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Yeudulich và nhiều nguồn khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến