Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Núi Thần Đinh (Quảng Bình)


Núi Thần Ðinh là dãy núi thuộc huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) nằm soi bóng bên dòng sông Long Đại. Nơi đây có vẻ đẹp hùng vĩ của một bức tranh sơn thủy. Đỉnh Thần Đinh nằm ở thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, cách TP Đồng Hới 25km về phía nam và cách đường Hồ Chí Minh tại cầu Long Đại 3km. Núi có độ cao 405m so với mực nước biển. 

Du khách đến thăm Quảng Bình có thể ghé thăm núi Thần Ðinh, nơi vốn nổi tiếng "lắm tiên nhiều Phật", "núi Thần Ðinh chót vót, khí thế nuốt phăng phăng bốn trăm châu". Sách Ô Châu Cận Lục có viết: “Núi Thần Đinh tại xứ Thạch Giang, huyện Khang Lộc (Quảng Ninh). Tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi cả các núi đều hướng về tây, riêng núi này quay lưng lại”, do đó núi Thần Đinh còn có tên khác là núi Bất Nghĩa.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả: “Núi đá cao chót vót, trên núi có chùa Kim Phong tức là chùa Non, cạnh chùa có đất rộng, trồng hoa; sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động hẹp phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. 



Trong động có hai tầng, đá xếp hệt như bàn ghế, có viên đá giống tượng phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Trước động về phía tả lại có một động, thạch nhũ trong động chỗ ẩn chỗ hiện, có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi; về phía hữu có hai động gọi là động Trống và động Chuông, trong ấy đá rũ xuống, gõ vào thành tiếng như chuông như trống nên gọi thế. Ngoài động có giếng đá (giếng Tiên) nước ngọt, không bao giờ cạn”.

Về ngôi chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh, cũng sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết rằng: “Chùa Kim Phong ở trên núi Thần Đinh, huyện Khang Lộc, không rõ dựng từ đời nào, sau trải loạn lạc bị bỏ hư. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) trụ trì là Trần Gia Hội dựng tạm chùa tranh, năm thứ 10 (1829) người địa phương là Lê Văn Trúc quyên triều tu bổ và lợp bằng ngói, vừa có một người địa phương đỗ thuyền ở trấn Nhật Lệ khi nhổ neo bắt được quả chuông bằng đồng đem cúng vào chùa”.



Truyền thuyết kể rằng: Thầy Ân Khả đã tu ở chùa này (chùa Kim Phong) từ năm 1694 (đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa, ứng với triều Khang Hy bên Trung Quốc), thầy là người đức độ tài trí, được tăng ni phật tử trong vùng yêu mến. Trước khi viên tịch, thầy cắt một ngón tay út bỏ vào tráp để lại cho chùa. Lạ thay ngón tay tươi mãi không hề bị thối rửa. Sau này thầy đầu thai vào một gia đình bên Trung Quốc và tái sinh trong hình hài vua Càn Long (1736-1796) (tương truyền vua Càn Long cũng bị thiếu mất một ngón tay út). 

Vua Càn Long linh cảm tiền kiếp có duyên nợ với chùa non trên núi Thần Đinh bên Đại Việt nên đã gửi một quả chuông sang tặng, chuông có khắc mấy chữ “Thần Đinh chung”. Thuyền chở chuông vào đến cửa sông Nhật Lệ thì không may bị bão tố nhấn chìm. Sau này một ngư dân quê ở huyện Bố Trạch tên là Đặng Văn Tiên, trong một lần thả lưới đã bắt được quả chuông và đem cúng vào chùa Non trên núi Thần Đinh.



Không biết huyền thoại về quả chuông đồng do vua Càn Long tặng có thật hay không, chỉ biết rằng hiện nay quả chuông chùa Non trên núi Thần Đinh đang được treo ở chùa Phổ Minh, ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới.

Từ bao đời nay, Thần Ðinh trường tồn sừng sững như chiếc bình phong khổng lồ chở che bao bọc cho những con người lao động cần cù chịu khó ở miền tây Quảng Bình.

Từ thành phố Ðồng Hới, theo hướng tây nam, khoảng 30 km, đến bến phà Long Ðại (huyện Quảng Ninh), có thể ngược dòng bằng thuyền để cảm nhận hết vẻ đẹp hùng vĩ của quần thể di tích núi Thần Ðinh. Giữa bập bềnh mênh mông sóng nước, những cảnh đẹp của núi Thần Ðinh dần hiện ra trước mắt như một bức tranh sơn thủy...

Quần thể di tích núi Thần Ðinh, không chỉ có ý nghĩa nhiều mặt tâm linh, địa lý, lịch sử. Chiến lũy Trường Dục của Ðào Duy Từ đã dựa vào thế hiểm yếu và được bắt đầu từ chân núi Thần Ðinh.



Người dân nơi đây kể lại, núi Thần Ðinh còn có tên là núi Chùa Non, vì ngày trước trên núi có một ngôi chùa mang tên chùa Non, gắn liền với tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Kinh, Vân Kiều anh em quen sống với nghề đi rừng và trồng trọt.

Ghé thuyền vào Bến Chùa, đi thêm khoảng vài trăm mét về phía tây là đến chân núi Thần Ðinh. Ngước mắt lên ta thấy núi chót vót... 

Theo những bậc đá lên cao hai bên sườn núi, ta bắt gặp ngôi chùa Hang thiên tạo bằng đá. Trước cửa hang có hai hang nhỏ mang tên hang Chuông và hang Trống. Khi gõ nhẹ vào vách đá, có những âm thanh trong trẻo như tiếng trống đánh, chuông ngân. Nhìn kỹ và tưởng tượng, ta sẽ thấy những nhũ đá thật giống với những chiếc chuông, chiếc trống. Ði vào chùa Hang, du khách có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Trần động có nhiều nhũ đá rủ xuống hình chiếc lộng vàng, hình voi chầu, ngựa phục. 

Rời chùa Hang, du khách tiếp tục bước theo các bậc đá lên núi Thần Ðinh. Dấu tích của chùa Kim Phong linh thiêng như vẫn còn đâu đây. Theo thư tịch cổ, vào đời Hậu Lê, chùa có tám gian. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), sư Trần Gia Hội (chùa Thiên Mụ - Huế) đã dựng tạm một ngôi chùa tranh tre để tu hành. Bốn năm sau, hưu quan Lê Văn Trúc đã cho xây dựng bậc đá lên chùa và lợp thêm ngói, sửa sang lại chùa. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Kim Phong Tự nay chỉ còn là dấu tích, nhưng hằng năm, vào những ngày lễ, Tết, cư dân và du khách vẫn thường xuyên ra thắp hương cầu cho cuộc sống an lành, no ấm...

Bước lên đỉnh núi Thần Ðinh khi trời đã về chiều, du khách tha hồ phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn bản làng của các dân tộc Kinh, Vân Kiều - thấy rõ cả một vùng đất Quảng Ninh, Đồng Hới với các dòng sông Rào Trù, Rào Đá uốn mình lúc ẩn, lúc hiện dưới chân núi sau những rặng cây xanh. Dòng Đại Giang (Long Đại) mềm mại uốn mình dưới cầu Long Đại, về tận Quán Hàu và hòa vào dòng Nhật Lệ để tuôn vào biển Đông. Đường Hồ Chí Minh như một dải lụa trắng vắt ngang dòng sông làm cho cả vùng đất biến thành một bức tranh thủy mặc đầy sức sống. 

Rời núi Thần Ðinh có thể ghé thăm hang Rào Trù - một nơi đóng quân trong những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Sau một ngày tham quan, buổi tối du khách có dịp ghé thăm những gia đình người Vân Kiều, người Kinh mến khách. Bên bếp lửa hồng ta được thưởng thức đậu phộng rang Trường Xuân, bắp nướng Rào Ðá, nhấp chén rượu Võ Xá, thưởng thức thịt dê núi, thịt bò núi Thần Ðinh.

Nguồn tin: Du lịch Go , Báo Nhân Dân, Tuổi Trẻ, ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến