Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Sông Bến Hải- Cầu Hiền Lương (Quảng Trị)

Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải. 
Con sông một hình ảnh đẹp về quê hương, về sự bình yên. Thế nhưng lại có một con sông phải mang trong mình nỗi uất hận, oằn mình chịu cảnh chia cắt quê hương chia cắt đất nước, một con sông bị xẻ làm đôi 2 bờ giới tuyến. 
Con Sông Bến Hải ở Quảng Trị từng phải chịu nỗi chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam hơn 20 năm ròng rã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biểu tượng của sự chiến đấu không gian khổ bên bờ sông đã thể hiện được tinh thần bất khuất ngày đó

Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải
Quảng Trị nhìn trên bản đồ như vòng eo thắt của mảnh đất hình chữ S, có một vị trí chiến lược rất quan trọng trong lịch sử, nơi có Cầu Hiền Lương mà sông Bến Hải chảy qua.
Cầu Hiền Lương nối liền quốc lộ 1A, bắc qua sông Bến Hải tại km 735 thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi đổ ra cửa Biển Cửa Tùng. Sông Bến Hải có tổng chiều dài gần 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200m, nơi hẹp nhất khoảng 20 -30m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị.
CẦU HIỀN LƯƠNG
vĩ tuyến 17
Dữ liệu bản đồ ©2015 Google
Bản đồ
Vệ tinh

Sông Bến Hải lúc đầu có tên Minh Lương. Vào thời vua Minh Mạng do trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên của Vua (chữ “Húy” đồng ngĩa với “Kỵ” tức là kiêng kỵ , theo luật phong kiến trong phạm vi quốc gia mọi thần dân kiêng kị tên huý của vua không được phép dùng để đặt tên cho con cái trong gia đình… cũng như không được phép dùng trong văn tự hay trong lời nói hàng ngày). Do vậy tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông “Bến Hói”, tiếng địa phương “hói” có nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc lệch ra là Bến Hải.

Cho đến nay Cầu Hiền Lương đã qua nhiều lần thay đổi cấu trúc, nhưng chiếc cầu lịch sử vẫn là chiếc cầu từ 1952 đên 1967 thì bị máy bay Mỹ ném bom phá sập. Cầu bắt đầu xây dựng bằng gỗ thô sơ năm 1922 dành cho người đi bộ, thay đổi nhiều lần đến khi xây lại năm 2003 tất cả là 8 lần.
Năm 1954 Hiệp định Genève ký kết quy định lấy vĩ tuyến 17 sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời; sau hai năm sẽ thực hiện cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Việt Nam (quy định vào tháng 7/1956). Trong tuyên bố chung của Hội nghị Giơnevơ 1954 ghi rõ: "Đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi như là một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ".
Đế quốc Mỹ với âm mưu từ trước đã ra sức thực hiện ý đồ độc chiếm miền Nam Việt Nam, nhằm tiến tới độc chiếm toàn Đông Dương. Mỹ đã hất cẳng pháp khỏi miền nam Việt Nam, ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng Chính phủ bù nhìn miền Nam Việt Nam. Cả dân tộc ta phải thực hiện một cuộc trường chinh kéo dài hơn 20 năm chia cắt.
“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”

Một dòng sông rộng không quá 100 mét, một chiếc cầu dài 178 mét, với 894 tấm ván bắc qua mà dân tộc Việt Nam phải đi suốt 21 năm ròng, đổi không biết bao xương máu (Ba nghĩa trang liệt sĩ quốc gia và hàng ngàn nghĩa trang trong khắp cả nước với hàng vạn cán bộ chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống). Có những trận chiến ác liệt với bom đạn, và cũng có những trận chiến ác liệt nhưng không một tiếng súng. Những cuộc đấu trí, đấu lý rất gay gắt và quyết liệt giữ ta và Địch bên lề giới tuyến 17.


Chuyện bắt đầu từ chiếc cột cờ - cuộc chiến “Chọi Cờ”

Trong các cuộc chiến diễn ra tại Hiền Lương có lẽ “Chọi Cờ” là cuộc chiến gay gắt và quyết liệt nhất diễn ra trong suốt 14 năm ròng. Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên, bởi cờ của ta không thể thấp hơn cờ của ngụy.
Bắt đầu ngày 10/8/1954, phía ta xây dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12 mét, với lá cờ 15,36 m2. Ở bờ nam quân Pháp liền cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa phía Nam cầu , cao 15 mét. Đồng bào hai bờ giới tuyến yêu cầu : Cờ ta nhất định phải cao hơn cờ địch. Thế là các chiến sĩ ta lại lặn lội lên rừng tìm được cây gỗ cao 18 mét về làm cột cờ,trên đỉnh cột treo lá cờ 24 m2.
Từ 30/6/1955, Pháp chuyển giao các đồn cảnh sát cho chính quyền Ngô Đình Diệm.Từ đây, cuộc đấu tranh nâng cao cột cờ giữa ta và địch mới thực sự diễn ra gay gắt hơn .
Để thể hiện “chánh nghĩa quốc gia”, tháng 2/1956 Ngô Đình Diệm cho xây dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30 mét với lá cờ 3 sọc lớn, có đèn nê ông nhấp nháy đủ màu như thách đố. Sau khi dựng cờ, loa phóng thanh địch rêu rao: "Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho dựng cột cờ cao 30 mét ở Vĩ tuyến 17 để dân chúng Bắc Việt thấy rõ chánh nghĩa quốc gia".
Trước sự khiêu khích thách thô của địch, tháng 7- 1957 , quân ta phía Vĩnh Linh đã dựng một cột cờ bằng thép ống cao 34,5 mét với lá cờ rộng 108 m2. Trên đỉnh cột cờ có gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2 mét. 5 đỉnh ngôi sao gắn một chùm 15 bóng điện loại 500 W.

cột cờ bắc hiền lương

cột cờ bắc Hiền Lương
Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào hai bờ Bắc Nam vui sướng reo mừng. Mỹ- Ngụy hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện này. Chúng vội vàng tăng cao cột cờ của chúng lên thành 35 mét, và lên giọng mỉa mai: “Bắc Việt muốn chọi cờ, nhưng sao chọi nổi quốc gia”.
Không để cột cờ ta thấp hơn cờ địch, năm 1962 chính phủ điều Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương, cột cờ cao 38,6 mét, kéo lên lá cờ 134 m2, nặng 15 kg. Cách đỉnh cột cờ 10 mét có một ca-bin để chiến sĩ ta đứng thu và treo cờ. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến.  Lá cờ đỏ sao vàng bay cao là niềm tin, là ngôi sao Bắc Đẩu của đồng bào bờ Nam, là niềm kiêu hãnh và biểu tượng sức mạnh của đồng bào bờ Bắc. Nhân dân tận vùng Của Việt, Chợ Cầu, Gio An… ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy rõ lá cờ Tổ Quốc đang vẫy gọi. Hiểu tấm lòng bà con hai bờ, các chiến sĩ công an đồn Hiền Lương hàng ngày kéo cờ lên sớm hơn và hạ cờ muộn hơn (6h30 đến 18h30) để bà con thêm thời gian ngắm cờ. Ngày lễ, Tết, cờ ta bay trên đỉnh cột suốt ngày đêm.
Đến năm 1965, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Từ đây, quân và dân Bắc giới tuyến bước vào một cuộc chiến đấu mới. Cột cờ Hiền Lương là mục tiêu đánh phá trước tiên của máy bay, tàu chiến Mỹ.
Ngày 8-2-1965, Nguyễn Cao Kỳ lái chiếc may bay AD6 bắn phá cột cờ, nhưng bị pháo cao xạ Vĩnh Linh bắn bị thương suýt mất mạng.
Ngày 17/9/1965, một đội máy bay Mỹ lao xuống ném bom cột cờ. Mảnh bom bắn vào cột cờ chan chát, khói bụi mù mịt. Nhưng cột cờ vẫn đứng vững. Tức tối , máy bay Mỹ lại nhào xuống thấp hơn, nhưng bị các chiến sĩ bảo vệ cờ bắn trả quyết liệt. Bọn giặc lái hốt hoảng vãi bom trúng đồn cảnh sát ngụy bờ Nam làm 87 tên chết và bị thương, trong đó có tên đồn trưởng. Tờ trình Nguyệt để tháng 9/1965 của Tỉnh trưởng Quảng Trị thừa nhận: “Sau vụ phi cơ Việt – Mỹ ném bom lầm đồn cảnh sát Hiền Lương ngày 17/9/1965 gây thiệt hại đáng kể về nhân mạng và tài sản của cảnh sát Bến Hải và đồng bào khiến dư luận hoang mang” [1].
Cho đến ngày 2/8/1967, địch tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom một ngày liền, làm cho Cầu Hiền Lương bị sập và cột cờ ta bị gãy. Ngay đêm đó, bằng một cột điện nối thêm cây gỗ, một cột cờ mới lại được dựng lên. Cũng ngay trong đêm đó, các chiến sĩ đặc công thủy Đoàn 126A và dân quân vùng Bắc giới tuyến đã dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, chấm dứt vĩnh viễn lá cờ ba que của Ngụy Sài Gòn trên bầu trời giới tuyến.
Liên tục trong nhiều năm, sau mỗi trận đánh, cột cờ gãy đổ, lá cờ bị mảnh bom, đạn pháo xé rách, lập tức một cột cờ mới, một lá cờ mới được thay thế.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ Quốc ở đầu cầu giới tuyến.  Ta đã đánh trên 300 trận lớn nhỏ, 3 lần bắt biệt kích địch vượt sông đặt mìn phá hoại cột cờ, 2 chiến sỹ công an vũ trang hy sinh, 8 bị thương, 11 dân quân Hiền Lương ngã xuống để lá cờ Tổ quốc luôn tồn tại trên bầu trời giới tuyến [2].
Không thể không kể đến mẹ Nguyễn Thị Diệm, bác Nguyễn Đức Lãng… những người may cờ, vá cờ trong bom đạn.
hình ảnh người mẹ vá cờ

Mẹ Viễn (bên phải) và mẹ Diệm đang vá cờ bên bờ Hiền Lương trong những năm chống Mỹ cứu nước (1967)


người mẹ vá cờ

hình ảnh người mẹ vá cờ

Bác Nguyễn Đức Lãng, người chiến sĩ quân đội trong nhiều năm liên tục đã ra Hà Nội nhận cờ. Từ khi Mỹ mén bom miền Bắc việc đi lại khó khăn, Bộ tư lệnh cấp cho Vĩnh Linh tiền tự mua vải may cờ .Thế là bác Lãng thành thợ may cờ. Mỗi năm bác may từ 14 - 16 lá cờ, rộng hàng trăm mét vuông, nặng 15 kg. Mỗi lá cờ may hết 122 mét vải đỏ, 12 mét vải vàng. Mỗi đường may phải may ba bốn đường chỉ cờ mới chịu được sức gió. Khi máy bay địch đánh phá ác liệt, cờ bị rách, mẹ Nguyễn Thị Diệm trong mấy năm trời, với cây kim, sợi chỉ đã bao lần giữa mưa bom bão đạn, sau mỗi trận đánh, mẹ Diệm đến ngay chân cột cờ để vá lành lá cờ Tổ Quốc. Nhiều lúc bom đánh dữ quá, vá không kịp, Mẹ lại chong đèn thức thâu đêm trong hầm để vá cờ.
Tính “từ  19/5/1956 đến 8/10/1967, ta đã treo hết 267 lá cờ các loại”[3]. Những năm tiếp theo, các chiến sĩ công an đã thêm 11 lần dựng lại cột cờ bằng gỗ cao từ 12 đến 18 mét, 42 lần thay lá cờ…

Chiếc cầu hai màu sơn:

Âm mưu chia cắt đất nước ta của mỹ ngụy còn thể hiện qua việc sơn cầu. Cầu Hiền Lương do Pháp xây dựng lại 5- 1952, dài 178 mét, 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, mặt cầu lát gỗ thông, rộng 4 mét. Từ khi sông Bến Hải thành giới tuyến, “Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm” ( theo nhà văn Nguyễn Tuân). Đường ranh phân chia Nam - Bắc là một vạch sơn trắng rộng 1cm làm ranh giới hai miền. Hàng ngày công an và cảnh sát hai miền gác, đổi phiên qua về theo chế độ liên hợp.
cầu hiền lương lịch sử

cầu Hiền Lương (cũ)

Để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, Mỹ- Chính quyền Sài Gòn chủ động sơn màu xanh nửa cầu phía Nam. Nhưng với ý nguyện “thống nhất non sông”, chúng vừa sơn xong đầu hôm, thì trong đêm, công an ta sơn nửa phần cầu bờ Bắc bằng màu xanh cho hòa một màu. Thời gian sau chúng lại cho người ra sơn lại phần cầu phía Nam bằng màu nâu. Cứ thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc. Hễ địch sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập, thì lập tức ta sơn lại thành một màu chung.
“Cuộc chiến sơn màu cầu” kéo dài gần 5 năm trời, cuối cùng chính quyền Sài Gòn phải chịu thua để cho chiếc cầu chung một màu sơn thống nhất. Hành động sơn màu cầu là một cách đấu tranh chính trị nhằm nói lên khát vọng thống nhất đất nước của quân dân chúng ta.
Cuộc chiến không tiếng súng giữa công an giới tuyến và cảnh sát Sài Gòn:
Cuộc đấu trí và đấu lý của công an giới tuyến nhằm bảo vệ hoà bình và cảnh sát nguỵ Sài Gòn cũng rất phức tạp và căng thẳng. Theo Hiệp định Genève, mỗi bên có 2 đồn cảnh sát : đồn Hiền Lương , Cửa Tùng ( bờ Bắc) , đồn Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam) thường gọi là Đồn Liên hợp. Mỗi đồn có 16 cảnh sát làm nhiệm vụ canh giữ và kiểm soát.Công an và cảnh sát hai bờ có nhiệm vụ giữ gìn quy chế khu phi quân sự, kiểm tra người qua lại giới tuyến .
 

Đồn Công An Vũ Trang Hiền Lương

Ai muốn qua phải có giấy thông hành do hai đồn hai bên cấp, chỉ được vào các chợ buôn bán, không được đi sâu vào các làng xóm. Hàng tháng vào ngày chẵn, một tổ 3 cảnh sát của ta mang sổ trực qua cầu sang bờ Nam, và vào ngày lẻ, một tổ 3 cảnh sát ngụy sang bờ bắc trao đổi công tác. Ở đồn Cửa Tùng, mỗi tuần cảnh sát hai bên “đổi bờ” một lần với một tổ 6 người. Mỗi đồn thường xuyên có 2 người trực, một ta một địch . Đến cuối tuần, hai bên cùng ký biên bản đổi bờ. Cuốn “sổ trực ban” đồn Cửa Tùng hiện vẫn còn được lưu giữ tại Nhà bảo tàng ở di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Gọi là đồn liên hợp nhưng cảnh sát Sài Gòn thì luôn luôn gây thù hằn, chia rẽ; công an của ta thì kêu gọi đoàn kết thống nhất. Tại đồn liên hợp đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh căng thẳng. Rất nhiều lần cảnh sát Sài Gòn nói xấu chế độ miền Bắc,  sử dụng chính sách mị dân, nịnh nọt dụ dỗ, lôi kéo nhân dân.
Tháng 4-1960, một tổ cảnh sát Sài Gòn sang bờ Bắc làm việc; chúng lân la đến tổ dệt xăm (lưới) của phụ nữ Vinh Quang , nói xấu miền Bắc, lập tức bị các chị đáp lại thẳng thừng : “Các anh có mắt như mù, Mỹ- Diệm không độc ác sao có Luật 10-59” [4] làm cho chúng không nói thêm gì được. Điều trớ trêu là chiến sĩ công an ta phải cùng đi với kẻ thù trên một con đò, ngồi cùng một bàn làm việc. Có những lúc địch dùng vũ lực thô bạo, khiêu khích đe dọa đến tính mạng, nhưng các chiến sĩ vẫn bình tĩnh, dũng cảm đấu trí, đấu lý vạch mặt kẻ thù.
Ngày 24/4/1962, bọn địch xúi linh mục và 150 giáo dân di cư ở bờ Nam tổ chức mít tinh phản đối chế độ miền Bắc, lập tức bị các chiến sĩ ta vạch mặt bằng những lời rất thuyết phục, buộc đám biểu tình phải giải tán. Lối sống văn hóa và lòng nhân ái của chiến sĩ ta đã thức tỉnh nhiều tên sĩ quan và binh lính Sài Gòn. Điển hình vào tháng 7-1959, hai cảnh sát đồn Cát Sơn qua đò đổi gác, thuyền bị gió lật chìm; cảnh sát bờ Nam đứng nhìn đồng đội mình bị nạn mà không cứu, công an đồn Cửa Tùng ở bờ Bắc đã nhanh chóng lao xuống sông cứu sống hai cảnh sát ngụy. Hành động đó đã cảm hóa một số cảnh sát bờ Nam, làm phân hóa đội ngũ của chúng.  Nhờ đó, các chiến sĩ công an ta xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến trong lòng địch.

Cuộc chiến âm thanh:

Sau Hiệp đinh Genève, nhằm giáo dục, động viên nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, ta đã cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh, phân bố thành 5 cụm suốt chiều dài 1.500 mét ở bờ bắc. Mỗi cụm 24 loa loại 25 W hướng về bờ nam.
hệ thống loa hiền lương
Mỗi ngày 24/24 giờ, hệ thống loa này phát đi chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền thanh Vĩnh Linh, chương trình ca nhạc, ngâm thơ, nói vè, kịch, dân ca, chương trình của Đội truyền thanh lưu động… rất hấp dẫn . Ai đã từng sống ở đôi bờ Bến Hải những năm 1954- 1964 hẳn còn vang vọng trong ký ức giọng ca Huế và dân ca Trị Thiên, giọng ngâm thơ ngọt ngào của nghệ sĩ Châu Loan.
"Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội / Thiếp xa chàng ngày đợi đêm trông / Trong đồn chàng có nhớ thiếp không? / Ngoài này thiếp vẫn chờ mong chàng về"
 Tức tối, mấy tuần sau, Mỹ- Diệm liền gắn ở bờ Nam những cụm loa do Tây Đức, Úc sản xuất có công suất lớn, phát inh ỏi, lấn át cả loa phát của ta.
Hệ thống loa phóng thanh của ta công suất nhỏ, không phát đến được Cửa Việt, Chợ Cầu…Thế là Trung ương cấp thêm 8 loa công suất gấp đôi (50W) và một loa công suất 250W để tăng giọng phát âm. Nhờ đó, mỗi lần địch lên giọng tâm lý chiến, hệ thống loa bờ Bắc phát lên át hẳn tiếng nói của chúng. Địch tức tối, đầu năm 1960, một giàn loa Mỹ với công suất lớn được đưa đến bờ Nam. Bọn chúng huyênh hoang: "Hệ thống loa ‘nói vỡ kính’ này sẽ vang xa tận Quảng Bình, dân bờ Bắc được nghe rõ tiếng nói của chính nghĩa quốc gia…”.
Không chịu thua. Ta đã tăng thêm hệ thống loa gồm một chiếc loa có đường kính vành loa 1,7 mét, công suất 500W, 20 loa loại 50W, 4 loa loại 250 W. Để cung cấp điện cho hệ thống loa có tổng công suất 7.000W này, ta đã dựng một đường dây cao thế 6 KVA dài 10 km kéo từ thôn Tiên An (Vĩnh Sơn) về đến Tùng Luật (Vĩnh Giang) và một trạm cao tần đặt cách cầu Hiền Lương 2,5 km về phía Bắc để tăng âm cho hệ thống loa. Các cụm loa được đặt trên trụ bê tông cốt thép kiên cố. Riêng chiếc “loa đại” 500W đặt trên xe lưu động. Khi thuận gió, tiếng loa có thể truyền xa 10 km, đến tận Chợ Cầu, Cửa Việt, Gio An. Đồng bào các làng xã bờ Nam vô cùng sung sướng vì hàng ngày họ được nghe rất rõ tiếng nói thân thuộc của miền Bắc ruột thịt.
Để “đấu khẩu”, Mỹ- Diệm đã tung ra Bến Hải những tên tâm lý chiến nguy hiểm. Mỗi ngày chúng nói từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ, một hai giờ sáng đã mở hết công suất loa. Toàn nói những điều xuyên tạc lịch sử, ca ngợi “ Ngô tổng thống là người thương dân, yêu nước…”. Trong khi trên các cánh đồng Vĩnh Linh máy cày, máy bơm đang hoạt động thì chúng lại lu loa : "Việt Cộng bắt người kéo cày thay trâu…”. Tên “tâm lý chiến” lè nhè hàng đêm tên là Phương. Vào một đêm năm 1963, 4 chiến sĩ công an ta đã bí mật vượt sông, được bà con bờ Nam chỉ đường, giết tên Phương ngay lúc nó đang gào trên loa phát thanh. Bà con hai bờ hả lòng, hả dạ bởi họ từ nay không bị đánh thức lúc nửa đêm, không phải nghe những lời bỉ ổi, dối trá nữa.Đến năm 1965, khi Mỹ mén bom miền Bắc, hệ thống loa phóng thanh của cả hai bờ hoàn toàn ngưng hoạt động.
Cuộc kháng chiến 21 năm bên bờ Hiền Lương là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ của quân và dân ta. Vĩ tuyến 17 một vĩ tuyến bình thường như những vĩ tuyến khác nhưng được cả thế giới biết đến và quan tâm, Vĩ tuyến 17 là dấu mốc chia cắt đất nước ta 21 năm. Đất nước thống nhất hòa bình, người mất, người còn; Nhưng công lao của quân và dân khu vực giới tuyến được sử sách khắc ghi. Di tích đôi bờ Hiền Lương mãi trường tồn với những giá trị cao đẹp. Tháng 12 năm 1986, khu di tích đôi bờ Hiền Lương được xếp hạng cấp Quốc gia. Đây là điểm sáng trong hành trình của du khách trong và ngoài nước tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình,  một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.
Mỗi di tích trên mảnh đất Quảng Trị là một thiên anh hùng ca bất tử về tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm mưu trí, sáng tạo quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân ta. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng là tài sản tinh thần vô giá, có ý nghĩa to lớn không những đối với trong nước mà còn đối với Quốc tế hết sức sâu sắc, chúng ta phải ra sức gìn giữ và tôn tạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến