Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Phố ốc ở Phù Cát

(Bình Định) - Thơm, rất thơm, thơm nức cả mũi. Ấy là mỗi khi đạp xe chầm chậm đi ngang “phố ốc” thị trấn Ngô Mây (Phù Cát, Bình Định) quê nhà. Là trong nỗi nhớ của mình ấy thôi, chứ bây giờ, mười năm có lẻ nay biết ra sao...

Ốc um phố huyện Phù Cát, một món quà vặt của tuổi học trò, món ghiền của dân nhậu và cũng là một món để thương, để nhớ trong những năm tháng dài xa quê. Ốc um nên nước ốc rất đậm đà, thơm ngon chứ không hề “nhạt như nước ốc” vì nó dành để chỉ món ốc luộc.

Và điều đặc biệt nhất là toàn bộ những con ốc ở đây, dù to, dù nhỏ, dù lớn, dù bé đều đã được bấm bỏ phần xoắn ốc cuối cùng hết trọi. Thưởng thức món ốc này không cần dùng tăm nhọn, kim băng nay nĩa nhỏ để khều mà chỉ cần đưa lên miệng, hút mạnh nghe “soạt” một cái, thế là xong! Đó cũng là lý do tại sao khu ẩm thực dân dã này được mang tên ốc hút – một thương hiệu rất “kêu”.

Khi mới ăn ốc kiểu này có thể bạn sẽ thấy lúng túng, bỡ ngỡ nhưng chỉ cần vài lượt, bạn sẽ thấy thú vị ngay! Và nếu bạn thấy tốc độ ăn của bạn chậm hơn người đồng hành, bạn có thể dùng những “vũ khí” đã chuẩn bị sẵn trên bàn để “chiến đấu” với những con ốc thơm phức kia.

Theo các cô, các chị chủ quán ở đây thì “phố ốc” ở đây hình thành những năm 1998 – 1999 và khi ấy ốc hút là một món mới. Để cắt bỏ phần đuôi ốc, người ta dùng kiềm và làm hoàn toàn thủ công. Làm sạch những món ăn dân dã như ốc đồng trước khi chế biến đã là kỳ công nhưng chiều khách bấm đuôi ốc như ở đây mới quả là cực nhọc.

Có cô còn nói nửa thật nửa đùa, nhiều khi ngồi bấm từng con ốc bé xíu mà nghĩ oán “cái con quỷ nhỏ” nghĩ ra cái trò bấm đuôi ốc này chi cho giờ khổ dữ vậy nè. “Cái con quỷ nhỏ” mọi người nói là một người phụ nữ xứ khác đến sống bằng nghề buôn bán vỉa hè. Ban đầu xào ốc um đã làm sạch phần cuối cho con, sau đem ra bán thử nghiệm cho khách. Khách ăn mê, vậy là ai muốn gia nhập kinh doanh ở phố ốc đều phải làm theo cách này.

Nhưng nếu chỉ bấm đuôi ốc thôi thì khách chỉ đến một đôi lần vì tò mò vì một cách thưởng thức lạ. Điều níu chân khách quay lại nhiều lần chính là hương thơm sực nức và vị ngon khó cưỡng của ốc.

Loại ốc cơ bản của phố này là ốc gạo, sau khi mua về ngâm một đêm, chà rửa xong mới bấm đuôi. Công đoạn này làm từng con một nên ốc chết, ốc hư được loại bỏ gần như tuyệt đối. Sau đó là luộc, rửa sạch rồi mới bắt đầu um. Nguyên liệu um ngoài xả, hành, ớt, rau ngổ còn phải có vị chua (lá dang hoặc me khô) và nước cốt dừa để tăng thêm vị béo ngậy.

Góp không nhỏ thành công cho món ốc chính là nước chấm. Này là gừng, là ớt, là tỏi, là đường, bột ngọt và nước mắm ngon với một tỷ lệ theo công thức của từng quán để làm dậy thêm từng con ốc dai, giòn sần sật. Lại nữa là rau. Món bình dân nên rau cũng rẻ tiền, dân dã: rau răm, chuối chát non, khế hay xoài ăn với ốc đều rất hợp. Và nếu bạn không còn “con nít”, bạn có thể dùng thêm vài chén rượu trắng cho ấm bụng trước khi về.

Chỉ nhớ đến đó thôi, bản đồng ca dậy mùi hương của các loại gia vị, rau thơm quê nhà của tô ốc um quê nhà như là đang phảng phất quanh đây.
Xem thêm >

Theo Ngọc Ánh (báo Bình Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến