Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Suối Tiên (Khánh Hòa) đang bị bức tử.

(TBKTSG Online) - Từ xa xưa, suối Tiên đã là nơi du ngoạn nổi tiếng ở 'xứ Trầm Hương' Khánh Hòa. Nhưng giờ đây, thắng cảnh thiên nhiên này đã bị con người hủy hoại, thậm chí biến dòng nước suối tự nhiên thành nguồn nước bẩn...

< Suối Tiên bị "cải tạo" thành kênh nước đen.

Khánh Hòa có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên. Là vùng duyên hải lại nối liền với Tây Nguyên nên Khánh Hòa vừa có nhiều núi rừng, sông, suối, vừa có bãi biển và hải đảo... Có đến hàng chục con suối từ núi cao uốn lượn quanh co đổ về đồng bằng và trở thành những điểm dã ngoại, du ngoạn hấp dẫn giới thanh thiếu niên và cả những người lớn tuổi yêu thích thiên nhiên.

< Đường vào suối Tiên xây đá chẻ.

Suối Tiên là một điểm dã ngoại nổi tiếng, luôn tấp nập khách tham quan vào những ngày lễ, tết và mùa hè. Đó là một thắng cảnh rừng núi tự nhiên nhưng lại ở rất gần đường quốc lộ 1, thuận tiện giao thông và chỉ cách phố biển Nha Trang hơn hai chục cây số, có thể đến đó bằng ô tô, xe máy và cả xe đạp rất dễ dàng. Đối với người mới đi lần đầu, chỉ cần đến địa danh Suối Dầu ngay trên quốc lộ 1, cách Nha Trang 18km theo hướng đi vào Cam Ranh, hỏi bất kỳ người dân nào cũng sẽ được chỉ đường, đi thêm chừng 5km nữa là đến xã Suối Tiên.

< Tượng Bồ Đề Đạt Ma dựng án ngay lối vào.

Thời trước, khách du ngoạn đến đây chỉ cần gửi xe, lội bộ ngược dòng suối vào tìm vị trí thuận lợi để đồ đạc rồi tắm suối, ăn uống nghỉ ngơi... chẳng ai bán vé vào cửa hay dịch vụ nào khác nên mọi thứ đều phải xách theo hoặc có thể mua của người dân địa phương. Đã mấy chục năm như thế, suối Tiên vẫn hoang sơ và hấp dẫn. Nhiều người sống ở Nha Trang từng vào đây chơi nhiều lần, gần như mỗi năm đều đi; lúc thì đưa cả gia đình đi picnic, khi thì đưa khách, bạn bè từ tỉnh khác đến Nha Trang tắm biển chán thì “đổi món” đi tắm suối.

< Đập tràn chặn dòng nước.

Vô số đá tảng chen chúc nhau bên dưới, bên trên thì cây rừng xòe tán lá đan nhau phủ bóng mát dọc theo một đoạn suối dài hàng cây số, người ta treo võng hoặc tìm những mặt đá phẳng làm chỗ ngả lưng, nằm nghe tiếng nước chảy róc rách và tiếng chim hót trên tán lá cây rừng.

Nước ở suối Tiên có một điểm đặc biệt là sau khi dùng tay bốc những món có dầu mỡ, rửa tay nước suối này rất sạch, tẩy hết chất nhờn mà không cần dùng xà phòng hoặc bất kỳ hóa chất nào.


< Ống nước xả từ ngôi nhà nhỏ ven bờ.

Những người, da có mồ hôi dầu, rửa mặt hoặc giặt khăn lau ở nước suối này rất sạch. Và tất nhiên, cũng như những con suối tự nhiên khác, dòng nước ở đây quanh năm mát lạnh. Người ta thường ngâm rượu, bia và những chai nước uống đem theo vào một hốc đá nào đó ngay khi vừa mới đến để lát sau có “bia lạnh” để giải khát.

Gia đình người bạn tôi ở TPHCM ra Nha Trang chơi, rủ tôi đi Suối Tiên. Đã lâu lắm chưa vào đó, tôi cũng hào hứng lên xe làm người dẫn đường, nhưng khi vừa qua khỏi cánh cổng sắt của “khu du lịch”, tôi cứ nghĩ mình đã vào nhầm chỗ.

< Cống nước dẫn từ một ngôi nhà không biết làm gì?!

Trước mắt chúng tôi là mấy ngôi nhà nằm cạnh một con rạch nước đen ngòm, bốc mùi hôi. Lỡ mua vé cho cả nhóm 7 người, chúng tôi xuống xe đi bộ vào trong, càng vào sâu càng thất vọng. Dòng suối thiên nhiên đã bị hủy diệt hoàn toàn!


< Cầu qua suối xây gạch, đá và bê tông. Còn những cọng sắt thừa xỉa ra như chông.

Một người con anh bạn tôi chỉ pho tượng Bồ Đề Đạt Ma khá lớn, án ngay lối đi vào, hỏi tôi: “Cháu có đọc cuốn Xứ Trầm Hương của tác giả Quách Tấn, có đoạn kể truyền thuyết về suối Tiên, đâu có liên quan gì tới Đạt Ma tổ sư hay thiền tông Trung Hoa mà người ta dựng tượng ở đây vậy chú?”. Tôi chỉ biết đưa hai tay lên trời và lắc đầu.


< Cầu gỗ mục, vỡ. Nhà (không phải WC) có ống xả nước xuống suối.

Dòng nước chảy ra, đoạn bên hông pho tượng Bồ Đề Đạt Ma, người ta xây một cái đập tràn, không biết để làm gì (?!) vì phía trên nước đọng đen ngòm, nhìn chẳng khác gì những con kênh nước đen ở TPHCM. Dọc theo bờ, có mấy căn nhà xây nho nhỏ, không biết để làm gì, cũng có ống cống xả nước xuống dòng “suối”.

Trước đây, dọc con suối tự nhiên toàn đá tảng, loại đá khối tròn do nước chảy xói mòn hàng ngàn năm, người đi chơi bước đi qua những tảng đá, bên dưới là nước suối trong vắt. Lối đi hoàn toàn theo địa hình tự nhiên, tuyệt đối không có xi măng, bê tông hoặc gạch, đá chở từ nơi khác đến.


< Đá chẻ thả bừa bãi trên lối đi gây nguy hiểm với khách tham quan.

Bây giờ, đường vào suối được đổ bê tông và lát đá, xây cầu... nhưng cầu cống làm rất cẩu thả và trở nên nguy hiểm. Cầu xây gạch và đá, có những cọng thép thò ra như chông và một số đá chẻ có góc cạnh nhọn, có thể gây thương tích nguy hiểm nếu người đi qua bị trượt té. Cầu lót ván gỗ thì gãy và xộc xệch như cái bẫy người đi chơi.

Một con suối tự nhiên của núi rừng đã bị nhà đầu tư tàn phá bằng cách đổ tiền vào xây dựng khiến cho nó trở thành một dạng công viên đô thị một cách vụng về, xấu xí, mất đi yếu tố thiên nhiên nên thắng cảnh trở thành hoang phế.

< Đầu rồng và máng trượt bê tông phá hủy cảnh sắc thiên nhiên của thắng cảnh suối Tiên.

Tại TPHCM, người ta biến nghĩa trang thành công viên du lịch rợp bóng cây xanh, đồi cỏ và ao hồ... biến vùng sình lầy nước đọng thành khu vui chơi giải trí, cũng xây dựng, cũng bê tông nhưng nhằm tạo ra khoảng trống thư giãn cho người dân thành phố được hít thở không khí trong lành và chút cảm giác gần gũi với thiên nhiên hiếm hoi.

Tại đây, vùng đất Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi từ khí hậu cho tới đa dạng cảnh sắc thiên nhiên, thắng cảnh tự nhiên lại bị con người hủy diệt. Đáng tiếc thay! Cách làm du lịch theo kiểu chỗ nào đẹp, có người thích đến chơi thì 'chặn cửa thu tiền' và xây dựng nhà hàng, cung ứng dịch vụ để thu lợi nhuận đã và đang làm cho xứ Trầm Hương dần mất đi nét đẹp sơn thủy hữu tình.
Xem thêm >

Theo Nguyễn Ngọc Phương - Lê Tâm (The Saigon Times)


Suối Tiên (Khánh Hòa) - Vẻ đẹp hoang dã

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến