Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Đường lên Tôn K’long

Tôn K’long thuộc xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Chỉ cách trung tâm thị trấn Đạ Tẻh 18km, nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ đi xe máy mới lên được nơi cư trú của đồng bào.

< Đường lầy lội với nhiều dốc dựng nhưng lại là món... khoái khẩu của dân phượt off-road thích phiêu lưu mạo hiểm.

Từ Đạ Tẻh, con đường nhựa phẳng phiu hướng thẳng về phía Tây qua khu vực thác Triệu Hải, vượt khu vực dân cư thuộc xã Đạ Pal, qua các rẫy và đôi cây cầu nhỏ thì bắt đầu vào cung đường nền đất xuyên rừng đi Tôn K’long.

< Người dân khó khăn để vượt qua những vũng bùn nhão, còn dân phượt 2 bánh thì sao? Có lẽ cũng quen rồi!

Hàng chục năm nay bà con dân tộc thiểu số K’Ho ở Tôn K’Long vẫn phải đi đi về về trên con đường lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa nắng. Chỉ cách trung tâm thị trấn Đạ Tẻh 18km, nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ đi xe máy mới lên được nơi cư trú của đồng bào.

< Xe thứ dữ của dân off-road cũng phải lạnh sống lưng.

Tôn K’Long được thành lập vào năm 2000 theo dự án “giãn dân” của UBND tỉnh Lâm Đồng. 284 hộ đồng bào gốc địa phương (K’Ho) ở các xã và thị trấn Đạ Tẻh thuộc huyện Đạ Tẻh được đưa lên Tôn K’Long để định canh định cư.

< Có lẽ chỉ thành phần 'lâm tặc' thì không ngại đường xấu: khi chở gỗ, họ vẫn phóng ầm ầm.

Tôn K’Long được chia thành hai thôn là Tôn K’Long A và Tôn K’ Long B. Hiện nay, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh đang quản lý về mặt hành chính dự án này.

Để leo lên được những đoạn đường dốc, các vũng sình lầy bánh xe phải mặc áo xích, người lái xe phải có tay lái cừ. Trên đường tới Tôn K’Long gặp không ít những chiếc xe máy bị mắc lầy, người ngồi trên xe quần áo lấm lem bùn đất... chờ thêm người giúp.

Theo nhiều hộ đồng bào đang sinh sống tại Tôn K’ Long “Mấy năm về trước chủ yếu là đi bộ thôi, mỗi lần lên đây phải thủ thức ăn, dầu thắp cho cả tuần, cả tháng. Đường đi khó quá nên ngại đi lắm”. Do đường sá đi lại có nhiều bất cập nên sản lượng nông sản do bà con làm ra như cà phê, chè, điều… thường bị các thương lái ép giá. Thầy giáo lên dạy chữ cho con em đồng bào cũng chẳng mặn mà với vùng đất mới…

< Bánh xe tải chở cây gắn xích.

Chính những tồn tại trên, đến thời điểm tháng 06/2012 chỉ còn lại 180 hộ đồng bào định cư tại Tôn K’Long. Theo ông Nguyễn Ngọc An - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Pal cho biết: “Mỗi năm vào mùa khô chính quyền xã đều cho đoàn viên, thanh niên lên bang lại đất, lấp lại các ổ voi ổ gà. Năm 2011, UBND huyện và UBND xã Đạ Pal đã đầu tư gần tỷ đồng để đổ đá, sửa lại đường cho bà con. Tuy nhiên, do chất đất đỏ bazan vừa mềm vừa dẻo lại dính cộng thêm các xe chở gỗ ra vào thường xuyên nên con đường vẫn còn lầy.


< Dân off-road chuẩn bị vào cung đường.

Đường lên Tôn K’ Long là đường liên xã, kế hoạch về mở rộng con đường, làm lại đường mới cho bà con đã được đề xuất lên cấp trên nhưng vẫn chưa được triển khai vì còn chậm về nguồn vốn nên đành phải chờ”.

Khó khăn là vậy, nhất là trong mùa mưa: đường từ ĐạPal qua Tôn K'Long hướng về ĐạmB'ri trở thành con đường kinh dị với nhiều dốc đứng, đường trơn và nhiều hố bùn nhão - có địa điểm phải qua ngầm sẽ là mối nguy hiểm thật sự (đã có tai nạn lũ cuốn trôi người qua ngầm) nhưng lại là món khoái khẩu của dân phượt off-road thích phiêu lưu mạo hiểm. Phần thưởng sẽ là những cảnh quan thật đẹp và hùng vĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến