Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Bí ẩn những mộ đá ở ngã ba biên giới

(Người Đưa Tin) - Có một nơi mà nếu đi Tây Bắc không đặt chân đến thì là một thiếu sót lớn của kẻ du hành. Đó là Mường Nhé, Điện Biên, đại bản doanh của dân tộc Hà Nhì. Nơi đây, anh hùng Trần Văn Thọ đã có công đầu tiên khai rừng, mở bản, kéo người dân tộc về tụ họp sinh sống đoàn kết. Anh cũng là liệt sĩ đầu tiên được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lực lượng bộ đội biên phòng.

Dòng suối hát mãi tên anh

Cho đến nay, người dân tộc Hà Nhì bên cạnh bàn thờ tổ tiên, thờ Bác Hồ thì trong mỗi gia đình vẫn dành một vị trí trang trọng cho người được coi là đã khai sinh ra bản làng Hà Nhì. Anh là ngọn đuốc sáng mãi giữa ngút ngàn mây núi Tây Bắc. Người Hà Nhì dù đi đâu cũng lấy anh làm gương sáng để răn mình và răn dạy con cháu.

Một ngày mưa rét đầu đông, cuộc hành trình từ thị trấn Mường Tè, Lai Châu đến với cột mốc ngã ba biên giới ở Mường Nhé, Điện Biên của chúng tôi bị dừng lại ngay trước đồn biên phòng Mù Cả. Vậy là, hai ngày, một đêm ngủ nhờ tại đồn biên phòng đã thành cơ duyên đưa chúng tôi đến với một câu chuyện thú vị.

Lắng nghe từ chính những người con núi rừng kể về huyền tích dòng suối có tên Păng Pơi cứ hát mãi cho đến tận bây giờ một bài ca ca ngợi đức, tài của anh hùng Trần Văn Thọ. Tôi thấy thêm yêu và trân trọng cuộc sống này vì vẫn có những người chọn gian khổ mà đi, chọn đường cong mà bước. Để rồi khi cát bụi trở về với cát bụi, tên anh đã hóa tên đất tên rừng, hóa vào mỗi ngọn cỏ, cành cây khắp thôn bản người Hà Nhì. Dòng suối Păng Pơi quấn quýt quanh cuộc sống của người Hà Nhì khắp các xã từ Sín Thầu, đến Sen Thượng, Leng Su Sìn không bao giờ cạn, như nuôi mãi lòng biết ơn vô hạn của người dân tộc này đối với người bộ đội biên phòng đã có công thu phục và đưa họ trở về với cuộc sống sum vầy đoàn tụ.

Dòng suối Păng Pơi như cô gái đương tuổi xuân sắc đầy nhựa sống, không vương chút suy tư. Mùa mưa, nước chảy ào ào, mùa khô, suối róc rách hiền hòa, nước đổ vào thượng nguồn sông Đà ở địa phận huyện Mường Tè, Lai Châu. Nhưng có một điều lạ mà người Hà Nhì rất tôn thờ, đó là việc dòng suối quanh năm không bao giờ cạn. Không có suối thì không có người Hà Nhì, không có suối thì anh Thọ cũng không xuất hiện và không quy tụ được bản làng thành khối đoàn kết như bây giờ. Nhờ dòng suối nước sinh hoạt tiện lợi mà anh Thọ đã lôi kéo họ về sống ven hai bờ suối, bày cách cho họ làm ăn sinh sống, từ bỏ đời sống du mục, chuyển sang định canh định cư. Bởi thế, dòng suối và người anh hùng cứ như định mệnh gắn kết với nhau.

Mộ đá của lòng biết ơn

Người Hà Nhì nơi biên cương thường kể cho con cháu nghe câu chuyện về anh bộ đội Trần Văn Thọ như người miền xuôi ru con bằng cổ tích. Để khi lớn lên, bắt đầu biết đi nương, đi rẫy, vào rừng lấy măng lấy củi thì người Hà Nhì đã biết kiếm đá cuội trắng dưới dòng Păng Pơi mang lên đỉnh đồi Leng Su Sìn đặt thêm vào ngôi mộ của người anh hùng vĩ đại.

Cụ bà Chu San Mứn (SN 1932), người bản Leng Su Sìn nhớ lại: Ngày cụ còn nhỏ, cứ theo cha mẹ đi khắp các dãy núi ở vùng biên cương này. Chỗ nào, gia đình cụ cũng chỉ trụ được vài ba mùa ngô sắn rồi cứ nhằm núi cao, rừng sâu mà tới. Cuộc sống là sự chui lủi, chạy trốn. Họ sợ gần suối, gần đường vì quan niệm cổ hủ cho rằng những nơi cuộc sống tốt như thế, bọn thổ phỉ giành giật và chiếm giữ mất rồi. Để bảo toàn tính mạng cho gia đình, cách tốt nhất là sống đời du mục, lang thang, không ổn định chỗ ở và đi thật sâu, thật xa để thổ phỉ không bao giờ tìm ra, không bao giờ cướp bóc, giết người. Những lời đồn mông muội ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngày đó, người Hà Nhì đâu biết đến cái chữ, những suy nghĩ lạc hậu cứ lớn dần theo thời gian, chẳng ai bảo ai họ cứ tự bỏ trốn vào rừng sâu sinh sống.

Cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước kêu gọi người miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới, khuyến khích cán bộ biên phòng lên miền núi tìm dân thành lập bản làng. Trần Văn Thọ là một trong số những người đầu tiên như thế. Cụ Mứn cho biết: "Ngày gặp anh Thọ, tôi một nách 5 đứa con, đã oải cái chân vì dẫn chúng đi khắp núi này qua núi nọ. Một hôm, chồng vào rừng sâu kiếm củi, mấy mẹ con ở trên đỉnh đồi cao nghe có người lạ tìm đường lên núi thì sợ lắm. Đang loay hoay sắp đồ cho các con bỏ trốn thì thấy một chú thanh niên khá trẻ bước tới. Chú này ăn mặc lịch sự, nói tiếng Hà Nhì và hứa sẽ dẹp thổ phỉ, sẽ bày cách cho chúng tôi làm ăn sinh sống.

Thoạt đầu, tôi cũng không tin, nhưng lời nói của người thanh niên ấy có sức thuyết phục ghê gớm. Tôi tự theo chú ấy xuống núi. Rồi cũng nhờ chú ấy bày cách làm nhà, làm rẫy, trồng ngô, định canh định cư. Ban đầu chỉ có vài hộ gia đình xuống núi. Dần dần lên đến vài chục hộ. Và bản được thành lập như thế. Ngày nào chú ấy cũng đến cùng một nhóm người, khuyên chúng tôi sống yên ổn một chỗ. Chú ấy dạy chúng tôi chăn nuôi, làm nương rẫy. Mãi sau này tôi mới biết họ là những chú bộ đội biên phòng, là người của Đảng, là người tốt”.

Gặp cụ Khoa, 83 tuổi, người bản Su Sìn, cụ vẫn đỏ hoe đôi mắt khi nhắc đến người cán bộ ngày nào. Con trai cụ bây giờ đã trưởng thành, làm trưởng bản. Người sống cùng thời anh hùng Trần Văn Thọ không còn nhiều, nhưng trong tâm trí của họ, hình ảnh anh Thọ vẫn đọng mãi. Họ lại nhớ những ngày anh Thọ cuốc bộ cả nửa tháng trời đi qua những ngọn núi cao, những khu vực sâu, đến với người Hà Nhì, mang về cho họ những thứ để khai phá văn minh như dao, rựa,  cây cỏ, con giống, để chăn nuôi tăng gia sản xuất. Đó là những ngày anh cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân mà quên đi bản thân mình.

Cho đến một ngày, vì lao động miệt mài, sức khỏe yếu, anh Thọ mắc cơn sốt rét ác tính và mất ở tuổi 26. Tất cả bản người Hà Nhì lúc đó đều xót thương anh. Vì đường rừng núi hiểm trở, ra đến bệnh viện cũng đi bộ mất cả chục ngày trời, mọi người nhìn anh ra đi mà đau xót tột cùng. Thể hiện lòng biết ơn anh, người dân mang thi thể anh lên đỉnh ngọn núi Leng Su Sìn. Quan niệm người Hà Nhì cho rằng, nơi cao nhất là nơi trang trọng và thiêng liêng nhất. Họ kiếm tìm những viên đá cuội tinh khôi nhất về đặt lên mộ anh để tưởng nhớ. Mộ đá lâu dần to thêm và được người dân giữ gìn cho đến tận ngày hôm nay.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi lần nhớ về anh, các thế hệ người dân bản Hà Nhì vẫn còn tiếc thương, khâm phục. Câu chuyện cảm động về tấm lòng người Hà Nhì biết ơn bộ đội biên phòng đã theo chúng tôi về tận miền xuôi. Để rồi mỗi lần nhớ lại hình ảnh cụ Mứn, cụ Khoa, tôi lại thầm nghĩ, cuộc đời có những điều giản dị mà nghĩa tình đến thế.  

Truyền thống và tấm lòng

Anh Vũ Kim Hùng, Chính trị viên phó đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết: "Đại đa số người Hà Nhì sinh sống ở Mường Nhé, Điện Biên. Khắp các đồn biên phòng nơi đây, cán bộ chiến sĩ đều thầm cảm phục tấm lòng của người Hà Nhì biết ơn bộ đội biên phòng qua cách họ tôn thờ và tự tay nhặt đá đắp lên mộ những người lính biên phòng đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc. Phó bí thư xã Leng Su Sìn Nguyễn Đình Lập cho biết: "Nhiều lần, Đảng, Nhà nước muốn di dời thi hài liệt sĩ Trần Văn Thọ về quê nhà tại nghĩa trang tỉnh Yên Bái, nhưng người dân Hà Nhì thương tiếc và nhớ anh nên sau nhiều lần vận động mới thực hiện được.

Tuy vậy, mộ đá vẫn cứ được đắp và ngày càng cao hơn. Điều đó thể hiện lòng biết ơn của người Hà Nhì đối với những người đã cưu mang, giúp đỡ họ lúc khó khăn. Đó là một trong những truyền thống quý báu của người Hà Nhì. Hiện nay, trên những ngọn đồi cao, vẫn có những ngôi mộ đá được đắp đầy thêm lên. Đó là cách tri ân đặc biệt của dân tộc được mệnh danh là hiếu học nhất trong các dân tộc ít người ở Việt Nam đối với những anh bộ đội cụ Hồ đã vì họ mà nằm lại với đất trời biên cương".
Xem thêm >

Theo Dương Thu (Người Đưa Tin)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến