Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Độc hành SG - Lâm Đồng - Bình Định

(iHay) Phượt thủ Phan Lộc chia sẻ những trải nghiệm thú vị trong chuyến phiêu bạt độc hành bằng xe máy từ Sài Gòn đến D’ran (Lâm Đồng), Cam Ranh (Khánh Hòa) và Quy Nhơn (Bình Định).

< Con đường tỉnh lộ 713.

D’ran không chỉ có hoa dã quỳ

D’ran là một thị trấn nhỏ ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cách TP.HCM khoảng 300km. Từ TP.HCM đến D’ran có hai con đường là đi theo quốc lộ 1 rồi rẽ trái vào quốc lộ 20, hoặc cũng đi quốc lộ 1 nhưng chạy thẳng theo tỉnh lộ 713, qua thị xã Long Khánh.

< Những cánh đồng lúa trên đường tỉnh lộ 713.

Tôi chọn phương án hai vì quốc lộ 20 hiện đang được sửa chữa, rất khó đi và cũng là để khám phá con đường mới. Đường tỉnh lộ 713 rất đẹp, thoáng mát. Dọc hai bên đường là một màu xanh xen vàng của những cánh đồng lúa bao la bạt ngàn. Khung cảnh thật thanh bình.

< Không tuyệt mỹ như núi Đôi Quản Bạ nhưng núi đôi Di Linh cũng có một nét rất riêng.

Trên đường đến D’ran, tôi đi ngang qua huyện Di Linh. Nếu để ý bạn sẽ thấy một ngọn núi rất độc đáo có dáng dấp như đôi gò bồng đảo của một thiếu nữ xuân thì. Người dân địa phương gọi ngọn núi này là núi đôi Di Linh.

< Trên đường đến D’ran.

Chạy xe khoảng 10 giờ đồng hồ, tôi đến thị trấn D’ran. Lúc này trời đã chuyển tối. Ở D’ran không có khách sạn, vì thế tôi xin ngủ nhờ nhà một người dân tại đây.

< Sáng tinh mơ ở D’ran.

D’ran chào đón tôi bằng một buổi sáng bình yên với tiết trời se lạnh, những ngọn đồi thấp thoáng sương mai. D’ran nổi tiếng là nơi trồng hồng, quýt ngon nhất cả nước. Nhà cô chủ có một vườn hồng ở cách đó không xa, nhưng tiếc là mùa này trái hồng còn xanh. Bù lại, sau nhà có một vườn đậu cô ve rất mát mắt.

< Vườn đậu cô ve nhà cô chủ.

Vườn hồng của cô nằm trải dài trên một khu đất khá rộng, len lỏi lên tận đồi, trong vườn trồng xen lẫn những cây quýt và cây cà phê. Hồng mùa này trái vẫn còn xanh, phải đợi đến tháng 9, tháng 10 trái mới chín mọng.

< Ngôi nhà nhỏ và dòng suối kế bên.

Cam Ranh với những bãi biển ngọc bích

Chặng đường tiếp theo của tôi là qua đèo Ngoạn Mục để đến Cam Ranh. Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha nối liền hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Từ khi có đèo Hòn Giao (hay còn gọi là đèo Omega) nối liền giữa hai thành phố Đà Lạt và Nha Trang thì đèo Ngoạn Mục có ít người qua lại.

< Cảnh sắc nhìn từ đèo Ngoạn Mục.

Đèo Ngoạn Mục đang trong quá trình tu sửa lại được gần 2 năm. May mắn là khi tôi đến đây thì con đèo cũng gần sắp xong, đường xá khá tốt. Đứng trên đèo nhìn xuống, khung cảnh thật hùng vĩ. Bạn có thể nhìn thấy những con đường đang uốn lượn bên dưới, núi non trùng điệp ở đằng xa.

Qua khỏi đèo có hai hướng đi Cam Ranh, một là đi thẳng ra Phan Rang rồi theo quốc lộ 1, hai là đi qua thôn Bác Ái. Tôi chọn con đường thứ hai vì nó gần hơn nhiều.

Thành phố Cam Ranh nổi tiếng với vịnh Cam Ranh là một trong những vịnh quân sự có vị trí tuyệt vời nhất trên thế giới. Và Cam Ranh còn có những bãi biển trong xanh tuyệt đẹp.

< Biển Bình Châu – Cam Ranh.

Khi đến Cam Ranh, dân phượt thường ghé thăm đảo Bình Ba để thưởng thức đặc sản tôm hùm nướng. Nhưng lần này tôi không đi Bình Ba. Thay vào đó tôi đến bãi biển Bình Châu. Đây là một trong những bãi biển "trinh nguyên" nhất ở đây.

Còn luyến tiếc lắm Quy Nhơn!

Sáng hôm sau Cam Ranh chào đón tôi bằng một trận mưa tầm tã do ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới. Mãi đến 10 giờ sáng tôi mới nổ máy khởi hành đi Quy Nhơn. Đi khoảng gần 1 giờ đồng hồ thì đến được Nha Trang. Lúc này trời đã bớt mưa, dọc theo quốc lộ 1 là bãi tắm không một bóng người, nước biển trong xanh.

< Bãi biển hoang sơ ở Vạn Ninh.

Niềm vui của những kẻ đi phiêu du là gặp được những người đồng hành cùng chí hướng trên đường, và tôi đã gặp làm quen với những người bạn đến từ nước Anh xa xôi cũng đang trên đường khám phá Việt Nam giống tôi.

< Cảnh đồng ruộng thanh bình ở Phú Yên.

Chúng tôi làm quen nhanh chóng, tay bắt mặt mừng, rồi cùng nhau chụp một tấm hình kỷ niệm. Sau đó chúng tôi chia tay vì họ phải rẽ trái theo hướng quốc lộ 26 đi Buôn Ma Thuột, còn tôi lại đi thẳng đến Quy Nhơn

< Thị xã Sông Cầu.

Tiếp tục đi theo quốc lộ 1, đến gần 16 giờ thì tôi đến chân đèo Cả nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Lúc này ánh chiều đã dần buông, cảnh vật trên đèo thật đìu hiu. Đứng ngay chân đèo, nhìn hướng ra biển, lòng bỗng dưng trào lên một nỗi nhớ nhà da diết.

7 giờ tối, tôi đến đèo Cù Mông nối liền hai tỉnh Bình Đình và Phú Yên. Đây là con đèo nổi tiếng nguy hiểm với những khúc cua cùi chỏ. Vượt đèo trong đêm tối vắng vẻ cảm thấy lạnh sống lưng. Tôi đến thành phố Quy Nhơn thì lúc này đã gần 20 giờ tối, tôi nhanh chóng kiếm gì lót dạ và tìm khách sạn nghỉ đêm.
Đón những tia nắng bình minh trên biển Quy Nhơn là một trong những ấn tượng sâu đậm nhất trên chuyến đi này.

< Biển Quy Nhơn. Xa xa là tượng Trần Hưng Đạo.

< Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Đây là niềm tự hào của người dân Quy Nhơn – Bình Định.

Tôi tiếp tục tìm đường đến Eo Gió nằm ở thôn Nhơn Lý, cách cầu Thị Nại khoảng 20km. Bạn có thể gửi xe ở nhà một người dân và đi bộ khoảng 100m là đến Eo Gió. Eo biển này tuyệt đẹp với những rặng núi đá cao, cong vòng vòng.

< Eo Gió đây (i-dulich: Đây chỉ là chân Eo Gió thôi, sẽ còn một khoảng xa để lên đỉnh. Để lên đỉnh phải theo những con đường mòn quanh co và nhấp nhô đầy đá, có những đoạn phải dò dẫn từng bước chân. Bù lại cho s vất vả là cảm giác tuyệt vời trên đỉnh cao, ngắm nhìn đường cong thật đẹp và nghe tiếng gió rít bên tai).

Đến Quy Nhơn, sẽ rất thiếu sót nếu bạn không lên núi Vũng Chua để có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố.

< Toàn cảnh thành phố biển Quy Nhơn từ đỉnh núi Vũng Chua.

Tôi chạy xe từ Eo Gió về lại thành phố Quy Nhơn, đi theo quốc lộ 1D trên đường ra Ghềnh Ráng. Đi tầm 2km nhìn bên tay phải thì tôi thấy một tấm biển ghi Khu du lịch sinh thái Suối Tiên và một con đường nhỏ dẫn lên núi. Chạy khoảng 20 phút thì tôi đến trạm radar trên đỉnh núi. Tại đây, tôi thực sự bị choáng ngợp khi được nhìn bao quát toàn cảnh Quy Nhơn.

Song, đến giờ tôi vẫn luyến tiếc hoài vì chưa có nhiều thời gian để khám phá "cẩn thận" thành phố này. Hi vọng sẽ sớm có ngày được trở lại Quy Nhơn để cảm nhận đầy đủ hơn vẻ quyến rũ của quê hương nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Nguồn >

Phượt ký của Phan Lộc (iHay.Thanhnien)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến