Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Sự thật mốc biên giới ở Thác Bản Giốc.

(Infonet.vn) - Cần có phim ngắn về “Sự thật cắm mốc Thác Bản Giốc” Đó là ý tưởng của Thứ trưởng Trần Đức Lai được trao đổi tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng. Theo Thứ trưởng, cần phải có chương trình thông tin để dân hiểu đúng và nắm được thực tế cắm mốc biên giới và ranh giới Việt - Trung tại khu vực này.

< Thác Bản Giốc chính, nơi phân định ranh giới Việt Nam -Trung Quốc.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai đề xuất với tỉnh Cao Bằng chỉ đạo cho sở chức năng làm biển giải thích cho dân hiểu ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tại thác Bản Giốc.


< Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai phát biểu tại lễ khánh thành bàn giao Cụm thông tin đối ngoại Thác Bản Giốc.

Thứ trưởng cũng giao cho Cục thông tin đối ngoại (thành viên đoàn công tác) cần xây dựng đoạn phim ngắn giải thích rõ ranh giới biên cương và quá trình cắm mốc giới tại khu vực này.

Ông cũng chia sẻ: Rõ ràng người dân khi đứng ở phía Việt Nam thì thấy cột mốc nằm ở trên đất mình sẽ nghĩ rằng phía bên kia cột mốc, dòng sông và thác là của nước TQ. Ít ai biết rằng bên bờ bên kia nước họ cũng có cột mốc tương tự, điều này sẽ gây nhầm lẫn không hay. Cần phải giải thích để dân hiểu: Không phải chúng ta mất thác Bản Giốc.


< Biên Phòng Việt Nam ngày đêm canh giữ biên cương tại Thác Bản Giốc.

Tâm đắc với đề xuất của Thứ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần Hùng cho biết: Sắp tới sẽ yêu cầu Sở Ngoại vụ Cao Bằng dựng pano nói rõ ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực thác Bản Giốc để người dân và du khách hiểu đúng bản chất thực tế cắm mốc biên giới.

Trao đổi với Infonet, TS Trần Công Trục, Nguyên Phó đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc cho biết: Thực tế, khi đàm phán thống nhất lấy dòng sông làm ranh giới mềm thì mỗi bên bờ sông hai nước giáp ranh đều có một cột mốc. Điều này không có nghĩa là phía sau cột mốc toàn bộ vùng nước là thuộc bên khác. Ông cũng khẳng định: "Đối với biên giới là dòng sông, khi cắm mốc không ai đặt cột mốc ra giữa dòng sông".

Trả lời báo chí, PGS. TS Nguyễn Hồng Thao, Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Biên giới Quốc gia cho biết: Theo hồ sơ lưu trữ của Việt Nam và Pháp, khi Công ước Pháp – Thanh năm 1887/1895 được ký kết cũng đã không giải quyết trọn vẹn vấn đề thác Bản Giốc nhưng đã ghi rõ đường biên giới đi theo trung tuyến sông Quế Sơn.

Với một thác nằm ở đường biên giới, theo luật quốc tế sẽ được 2 bên sử dụng như nhau, biên giới đi theo đường trung tuyến dòng chảy ở những nơi tàu thuyền không qua lại được hoặc theo đường trung tuyến luồng ở những nơi tàu thuyền qua lại được. Đó là nguyên tắc cũng từng được chúng ta áp dụng để giải quyết vấn đề biên giới với các nước Lào, Campuchia.


< Vùng nước khai thác du lịch chung 2 nước.

Trong chuyến đi công tác lần này, đoàn công tác đã được mắt thấy tai nghe về sự thực về biên giới cắm mốc tại Thác Bản Giốc. Những gì mà chúng tôi thực mục sở thị hoàn toàn trái ngược với những đồn đoán sai lạc hiện nay.

Khu vực Thác Bản Giốc khá rộng, có thác chính và thác phụ. Thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thác chính là phần dòng chảy chính của sông Quế Sơn (địa phương gọi Quây Sơn) là ranh giới phân định giữa 2 nước. Hiện tại, khu vực dòng nước chính là khu vực cùng khai thác du lịch chung, là một ranh giới mềm, thuyền mảng của Việt Nam có thể đi rất gần bờ phía Trung Quốc và ngược lại.


< Thác phụ nằm trên địa phận Việt Nam đẹp như thiếu nữ buông tóc.

Thực tế hiện nay, bờ phía Trung Quốc đã phát triển mạnh về du lịch với những hạ tầng đảm bảo đón du khách. Còn khu vực Thác Bản Giốc phía Việt Nam còn khá nguyên sơ.

Tuy nhiên, thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam có bãi đất rộng và có khu thác phụ. Bãi đất rộng bằng phẳng, khu thác phụ nước chảy trên cao xuống dài, đẹp như thiếu nữ thả tóc.

Nếu được đầu tư du lịch và đầu tư các phương tiện truyền tải thông tin về cắm mốc biên giới, Thác Bản Giốc sẽ là điểm du lịch lý tưởng cho người dân Việt Nam và khác du lịch quốc tế đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu.
Xem thêm >

Theo Hồng Chuyên (Infonet.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến