Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Khe Phương: vùng đất bị lãng quên...

Mỗi khi nhắc tới Quảng Ninh, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới những địa danh nổi tiếng đã được nhiều người biết đến hàng chục năm nay như thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, vịnh Bái Tử Long, đảo Vân Đồn, Cô Tô, núi Yên Tử hay cửa khẩu Móng Cái với bãi biển Trà Cổ... hoặc ít ra là những mỏ than như Cẩm Phả, Mạo Khê vốn đã làm giàu cho biết bao nhiêu thế hệ người Quảng Ninh.

Ít ai biết được, bên cạnh những địa danh mà có khi cả thế giới biết đến đó, Quảng Ninh vẫn còn những vùng đất cực kỳ hoang sơ chẳng có mấy bóng người với núi rừng, sông suối đan xen, những nơi mà người Kinh ít khi đặt chân tới.

< Ngày nắng, đường cũng sình lên những lớp bùn đất dày nhấp nhô.

Cuộc sống ở nơi đây khác hẳn với những gì chúng ta vẫn thường hình dung về một Quảng Ninh giàu có, hiện đại vốn đã quá quen thuộc với mọi người.

< Xe máy cũng "lội" qua suối, dưới bánh xe là vô vàn đá trơn.

Thông thường, với 4 tiếng đồng hồ, một chiếc xe khách có thể vượt chừng gần 200km để di chuyển từ Hạ Long đến Hà Nội hoặc Hạ Long - Móng Cái. Nhưng, với người dân thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, Hoành Bồ, Quảng Ninh, phải mất 4 tiếng mới có thể ra được đến trung tâm xã, mặc dù chỉ cách bản có 9km đường.

< Con suối thứ hai sâu hơn, xe "bơi" ngập bánh.

Có trực tiếp đi trên con đường ấy mới thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà con nơi đây. Đường chỉ duy nhất một mặt bằng nhấp nhô rộng chừng 2 - 3m kéo dài 9km, chưa hề được đầu tư để gọi là nền đường. Con đường đầy đất đá, dốc cao và phải vượt qua nhiều khe suối.

< Đường không có mặt phẳng.

Ngày mưa, giữa mênh mông nước, bà con đi bộ cả 4 tiếng đồng hồ mới ra được đến trung tâm xã. Ngày nắng, những vũng nước còn đọng lại sau mưa, bùn đất sình lên rắn chắc. Xe máy 'bơi' qua dòng suối rộng, sâu đến ngập cả bánh, rồi lại "trèo" qua những tảng đá, sỏi nhấp nhô trên đường. Chưa hết: những đoạn dốc cao ngất sẳn sàng làm 'xòe' bất kỳ tay lái nào nếu không thật chú ý hoặc không đủ sức rướm.

< Trẻ em ở Khe Phương. Thứ bạn cần mang theo là ít quà bánh hay quần áo trẻ em nếu có thể...

Vào mùa mưa, khi lũ về thì Khe Phương sẽ bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài và cũng sẽ khá nguy hiểm nếu có lũ quét.

Ở bản Khe Phương, bà con không ở tập trung mà rải rác khắp một thung lũng rộng xen lẫn với cây rừng. Đa phần là người Dao thuộc dòng Dao Thanh Phán.

Người Dao Thanh Phán ở đây chỉ có phụ nữ lớn tuổi là vẫn còn mặc trang phục dân tộc hàng ngày. Họ cũng cạo đầu và lông mày giống người Dao Đỏ... nhưng không mang các đồ trang sức và phụ kiện bằng bạc trắng như người Dao Đỏ mà trang phục khá giản dị với một chiếc khăn đen trùm đầu.

Riêng người trẻ hơn lại trắng trẻo và có gương mặt thanh thoát: đẹp giai lẫn đẹp gái dù đa phần họ đều có gia đình và cuộc sống rất vất vả giữa chốn thâm sơn cùng cốc này.

Đến vùng sâu và xa này, để tránh phiền phức thì tốt nhất bạn nên làm sẳn cái giấy giới thiệu của thành đoàn hay gì đó để trình báo trưởng thôn cũng như công an viên của bản để xóa tan các nghi ngờ của người dân. Sau đó bạn sẽ được đối xử thật tốt và có thể ở tạm tại nhà văn hóa của thôn.

< Nhà văn hóa của bản Khe Phương.

Nhà văn hóa của bản Khe Phương khá khang trang, lợp phibro xi măng, vách bằng ván gỗ, bên trong kê bàn ghế để họp và có cả loa đài, TV để hát karaoke.

< Thiên nhiên Khe Phương thừa sức chinh phục kẻ phượt.

Ở vùng này, rất nhiều địa danh được gắn với chữ "khe", có lẽ từ "khe" cũng được dùng giống như từ "nậm" nghĩa là suối để đăt tên địa danh của khu vực Tây Bắc.

Khe Phương: một vùng đất đẹp và con người chân chất với con đường đến thật gian nan. Vậy nhưng chính sự cách trở khó khăn này lại tạo ra một thiên đường cho dân Offroad.

Trích từ blog Battramdao, QTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến