Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Khu tưởng niệm các vua Hùng - Q9

Khu tưởng niệm các vua Hùng là một công trình thuộc khu Cổ Đại của dự án Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc. Khu tưởng niệm tọa lạc trên hai phường Long Bình, quận 9, TP. HCM và xã Bình An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm TP. HCM hơn 20km. Từ khu du lịch Suối Tiên, các bạn có thể bắt xe buýt số 76 để đến thẳng Khu tưởng niệm các vua Hùng.

Dự án khu tưởng niệm các vua Hùng được khởi công xây dựng vào ngày 21/4/2002 và khánh thành đúng vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 năm Kỷ Sửu), tức ngày 4/4/2009. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành địa điểm tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm với quy mô lớn nhất khu vực phía Nam và là địa điểm tham quan, chiêm bái của những người con phương Nam hướng về đất Tổ.

< Ảnh đầu là toàn cảnh cổng chính, còn đây là hàng cọ đến từ Phú Thọ ở hai bên đường vào cổng chính.

Khu tưởng niệm các vua Hùng được xây dựng trên một ngọn đồi cao 21m so với mặt nước biển, có diện tích 59.306m², do kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu thiết kế.

Khu tưởng niệm bao gồm: Quảng Trường, Nghi Môn, Đường Tre, Nhà Bia, đền Tưởng Niệm (gồm sân Lễ, sân Vọng, sân Hội) và phòng trưng bày.

< Cổng chính, hai bên có tượng hộ vệ.

Trước tiên, khách vào cổng ngoài rồi theo bảng chỉ dẫn chạy thẳng vào trong, nơi có nhà điều hành và bãi đậu xe.
Nhà điều hành có diện tích 472m² là nơi tiếp đón khách tham quan, tại đây có phòng trưng bày truyền thống. Khách vào Khu tưởng niệm các vua Hùng không phải mua vé ngoại trừ vé gởi xe.

< Đường tre.

Quảng trường khu tưởng niệm các Vua Hùng là một khoảng sân trống hình vuông với diện tích 4000m², nền sân có hình mặt trời với những tia sáng tỏa ra xung quanh, theo mô phỏng mặt trống đồng Đông Sơn. Nền quảng trường gợi nhớ về nhận thức vũ trụ của người xưa cho rằng “trời tròn đất vuông”.

Xung quanh quảng trường là các hàng cây cọ cao trên 3m xòe tán tròn râm mát, một giống cây đặc sản từ vùng “rừng cọ đồi chè” của tỉnh Phú Thọ mang vào đã thích nghi và tươi tốt với vùng đồi gò phía Đông thành phố.

Quảng trường còn toát lên vẻ trang nghiêm, hoành tráng bởi hai hàng cột đá xanh (cạnh mỗi cột đá 1m). Cột đá cao khoảng 6m, 18 cột đá này tượng trưng cho các đời vua Hùng trong lịch sử cổ đại Việt Nam.

< Nhà bia.

Từ quảng trường qua 5 bậc đá là đến Nghi môn (hay còn gọi là cổng vào đền). Nghi môn cao khoảng 8m là công trình kiến trúc được tạo dựng bởi các khối đá hình chữ nhật tạo nên các cột vững chắc đỡ các mái và tạo khoảng không ra vào.

Dưới mái chính giữa nghi môn gắn phiến đá hình chữ nhật, có hoa văn bao quanh, chính giữa khắc chìm dòng chữ: 'Đền tưởng niệm các vua Hùng'. Bên tả và hữu nghi môn có 2 tượng võ sĩ, một người cầm giáo dài, một người mang rìu chiến trong tư thế oai phong canh giữ nghi môn.

< Qua khỏi nhà bia...

Đường tre có chiều dài 360m, được xây dựng đào sâu theo triền dốc tự nhiên với độ sâu trung bình 1,5m; rộng 10m. Mặt đường tre được lót bằng đá. Hai bên vách đường trồng hai hàng tre ngà từ cổng vào cho đến đền chính. Tất cả những nơi cao thấp đều có lối đi xe lăn dành cho người khuyết tật.

< ... là đến khu đền thờ các Vua Hùng.

Nhà bia với diện tích xây dựng trên 44m², mái lợp ngói mũi hài - một loại ngói được mang từ tỉnh Thanh Hóa vào.
Khung nhà bia được tạo dựng bởi 4 cột gỗ căm xe loại lớn và được liên kết với các xà (cây xiên) tạo thành thế tứ trụ vững chắc, phỏng theo lối kiến trúc kiến trúc đình, đền truyền thống Nam bộ. Không gian nhà bia được nới rộng ra 4 hướng bởi hệ thống kèo nối với 12 cây cột gỗ nhỏ hơn ở hàng nhì.

< Trực chỉ theo những bậc thang đá để đến đền.

Giữa nhà bia có bia đá hình chữ nhật trên có khắc nội dung tóm tắt về hào khí lịch sử Việt Nam.
Cùng với hệ thống bậc thang, các chiếu nghỉ, các phù điêu vách tường song song với đường tre ngà uốn lượn dài hơn 4000m theo triền dốc tự nhiên, công trình nhà bia là điểm nhấn trên đường hành hương về với cội nguồn.

Qua khỏi nhà bia, cũng là lúc đã lên 107 bậc đá để vào đền. Đền vọng tuởng niệm các vua Hùng tọa lạc trên đồi cao, nhìn tổng thể mang dáng hình chim lạc cách điệu đang vươn cánh bay về phương Bắc. Để thực hiện các nghi thức lễ hội hướng về Quốc Tổ, thiết kế ngôi đền có sân lễ, sân vọng và sân hội.

Sân lễ gồm toàn bộ không gian ngôi nhà hình dáng chiếc trống đồng với cửa lớn vào ở hướng Nam. Vách tường được xây cao và thể hiện như thân tang trống, vách tường bên trái và bên phải đều có các bức phù điêu gốm màu, phản ánh về cuộc sống sinh hoạt và đấu tranh sinh tồn của con người thời Hùng Vương.

Phần trang trọng, linh thiêng nhất là nơi thờ phụng với 7 gian thờ hình vòng cung còn lại của thân trống, trong đó gian thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở trung tâm và được đặt ở vị trí chính hướng Bắc với 3 bậc:

Bậc thứ nhất thờ Quốc Tổ Hùng Vương, bậc thứ 2 thờ Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, bậc trên cùng là các bức bình phong bằng đồng với hoa văn, họa tiết, hình ảnh về văn hóa Đông Sơn. Bên trái Quốc Tổ Hùng Vương thờ Lạc Tướng, bên phải thờ Lạc Hầu; các gian còn lại thờ các vị thần là nhân thần và nhiên thần như: Tản viên Sơn thánh, Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng; ở 2 gian còn lại thờ Lạc Dân (bá tánh thời Hùng Vương).

< Sân vọng với 54 cột đá tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc Việt.

Sân vọng (lầu thượng) hình vuông cao hơn đồi 11m, góc phải và trái của sân vọng có 54 cột đá biểu trưng cho các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sau khi thực hiện nghi lễ, khách hành hương sẽ lên sân vọng thắp nhang và tâm nguyện hướng về đất tổ ở phương Bắc, nơi cội nguồn của dân tộc.
Sân hội có hội trường, sân đỉnh đồi rộng rãi, cảnh quan thoáng mát cùng các dịch vụ phục vụ cho hội thảo, vui chơi giải trí sau phần lễ.

< Đá Trường Sa.

Qua khỏi nhà bia, cũng là lúc đã lên 107 bậc đá để vào đền. Đền vọng tuởng niệm các vua Hùng tọa lạc trên đồi cao, nhìn tổng thể mang dáng hình chim lạc cách điệu đang vươn cánh bay về phương Bắc. Để thực hiện các nghi thức lễ hội hướng về Quốc Tổ, thiết kế ngôi đền có sân lễ, sân vọng và sân hội.

Công trình Đền tưởng niệm các vua Hùng là điểm tựa giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc cho nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ, theo chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nơi đây đã trở thành địa điểm tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương quy mô lớn nhất khu vực phía Nam và là địa điểm tham quan, chiêm bái của những người con phương Nam hướng về đất Tổ.

< Học sinh tham quan.

Trong tương lai, cùng với các hạng mục của Khu I (khu cổ đại) trong đó có khu tưởng niệm các Vua Hùng, đồ án thuộc 3 khu vực còn lại của Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện. Trong đó có một số dự án lớn như: Dự án các sự kiện lịch sử thời Trung đại (Khu II); Tái hiện và tổ chức sự kiện lịch sử Cận đại-Hiện đại (Khu III); Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, làng hoa, làng văn hóa các dân tộc, khu sinh thái; khu tái hiện đường Trường Sơn (Khu IV). Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc tại thành phố khi hoàn thành toàn bộ sẽ là công trình văn hóa mang dấu ấn lịch sử của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21.

, ảnh từ Caravanviet và nhiều nguồn khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến