Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Sông Thạch Hãn - Quảng Trị.

(Quangtri.gov) - Người Việt Nam ta vốn nặng tình non nước nên hình như tỉnh nào cũng muốn chọn một ngọn núi và một dòng sông tiêu biểu cho tỉnh mình để tạo thêm ấn tượng sâu sắc về quê hương.

Xứ Đoài thì có núi Tản – sông Đà, xứ Nghệ thì có núi Hồng – sông Lam, đất kinh kì thì có núi Ngự - sông Hương…, còn Quảng Trị có non Mai – sông Hãn.
Non Mai tức núi Mai Lĩnh, một ngọn núi đẹp ở gần chiến khu Ba Lòng. Sông Hãn là sông Thạch Hãn, con hào thiên tạo phía bắc của Thành cổ Quảng Trị.

Quảng Trị tuy nhỏ nhưng lại là tỉnh phên dậu phía Bắc của kinh thành Huế và là nơi phát tích của họ Nguyễn khi Nguyễn Hoàng mới vào dựng nghiệp ở Đàng Trong, vì thế năm 1836, sau khi ổn định đất nước, vua Minh Mạng đã chọn sông Thạch Hãn là một trong 9 thắng cảnh của đất nước để đúc vào Cửu Đinh bày ở sân rồng coi như quốc bảo.

Ở Quảng Trị xưa đã có câu ca dao:
“Chẳng thơm cũng thể hương dàn
Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”

Nguồn Hàn là tên gọi dân gian chỉ sông Thạch Hãn. Về tên gọi Thạch Hãn, lâu nay không ít người tự hiểu theo nghĩa chủ quan là… “mồ hôi của đá”. Thực ra không phải như vậy, thạch thì đúng là đá rồi, còn hãn hay hàn có nghĩa là ngăn cản. Vì ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, tên sông đặt theo đặc điểm này, thành sông Thạch Hãn.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì sông Thạch Hãn chỉ dài khoảng 170 dặm bao gồm cả đầu nguồn, nghĩa là chỉ độ 100km. Với độ dài như vậy nên lượng phù sa do sông tải đến không nhiều, trừ những ngày lũ lụt, nước thường trong xanh nhìn thấy đáy. Điều đó được nói đến trong 2 câu thơ của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến:

“Tây phong Hà xứ xuy trần khởi
Bất tụ niên tiền triệt thể thanh”
Lương An dịch:
“Gió tây cuốn bụi dồn
Nước trong thấy đáy nay còn nữa đâu”

Sông Thạch Hãn là con sông dài và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị. Sông bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn ở phía Tây Nam của tỉnh. Dòng sông uốn lượn từ hướng Đông và Đông Bắc, gặp sông Rào Quán lại chảy về hướng Đông rồi ngược lên phía Bắc, nhập với sông Cam Lộ (tức sông Hiếu, chảy qua thị xã Đông Hà) tại ngã ba Dã Độ (sau này quen gọi thành Gia Độ) rồi lại quay về hướng Đông, đỗ ra cửa Việt Yên, gọi tắt là Cửa Việt.

Không chỉ từ xưa mà cho đến cả bây giờ, sông Thạch Hãn vẫn là mạch máu giao thông đường thủy rất quan trọng của tỉnh Quảng Trị.

Với hình thể uốn lượn uyển chuyển như thế lại có thêm nhiều phụ lưu thuốc các huyện Triệu Phong - Hải lăng là hai vựa lúa của tỉnh Quảng Trị như Vĩnh Định, Vĩnh Phước, Điếu Ngao nên mật độ giao thông trên sông ngày càng lớn. Đặc biệt, là con hào thiên tạo phía Bắc thành cổ Quảng Trị (nay là thị xã Quảng Trị) con sông Thạch Hãn lại có vị trí chiến lược về quân sự.

Câu thơ được nhiều người biết đến trong bài thơ “Chị lái đò” của nhà thơ Lương An:
“Đò em lên xuống Ba Lòng, Chở người cán bộ qua vùng chiến khu”... đủ cho thấy tầm quan trọng của sông Thạch Hãn - lối duy nhất có thể lên được chiến khu Ba Lòng.

Lịch sử không thể nào quên được những ngày hè của năm 1972, hàng vạn chiến sĩ đã bất chấp nguy hiểm, bí mật bất ngờ vượt sông Thạch Hãn để lập nên những chiên công vô cùng hiển hách. Đã có không biết bao nhiêu người trong số đó đã vĩnh viễn hóa thân cùng sông nước cỏ cây…

Ngày nay, dù đi bằng đường bộ hay đường sắt Bắc – Nam ta đều gặp một dãy cầu gọi là cầu Thạch Hãn, bắc qua sông Thạch Hãn. Đầu phía bắc có tượng đài trung đội Mai Quốc Ca. Trung đội chỉ vẻn vẹn 20 người với vũ khí bộ binh thông thường (nếu theo biên chế trong quân đội thì trung đội phải gồm 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội 12 người và thêm 1 trung đội trưởng) nhưng đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm suốt một ngày đêm.

Trước sự phản kích điên cuồng của một tiểu đoàn địch đông gấp mấy chục lần, có xe tăng và đại bác yểm trợ, họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chốt giữ, góp phần làm nên đại thắng. Cả trung đội 20 người chỉ còn lại một người lính bị thương nặng, được nhân dân địa phương cứu sống. Tượng đài Mai Quốc Ca ma tên người chỉ huy dũng cảm, có 19 quả tim đỏ gắn lên, tượng trưng cho 19 liệt sĩ.

Để tưởng nhớ đến hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn, hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đều long trọng tổ chức lể thả đèn hoa, bè hoa trên sông Thạch Hãn.

Lễ hội đã thực sự cuốn hút rất nhiều người, đặc biệt là các lực lượng vũ trang và cựu chiến binh trong và ngoài tỉnh tham dự.

Do đặc điểm tự nhiên nên các sông suối ở miền trung thường ngắn và trong. Ở xứ Nghệ có câu “Nước sông Lam vừa trong vừa mát”, nhưng thực sự được đi vào thơ ca, được các bậc đại khoa như Bảng nhãn Võ Duy Thanh, Tam Nguyên Nguyễn Khuyến ca ngợi thì chỉ có sông Thạch Hãn.

Do phải chảy quanh co giữa núi rừng Trường Sơn, trải qua lắm thác ghềnh với vô số đá ngầm, đá dựng, dòng nước trở nên trong vắt. Với những nét đặc trưng đó, người dân Quảng Trị luôn coi sông Thạch Hãn là biểu tượng của đạo lý trong sạch và ý chí kiên cường.

“Bụi hồng rong ruổi tới Trường An
Nghe nói đâu đây suối Bạch Đàn
Ấy cảnh tự nhiên ai khéo vẽ
Mà kho vô tận lúc nào khan
Bên đường xe ngựa nên dừng bước
Mượn thú non sông cũng tạm nhàn
Đây phải Liêm Tuyền chăng đó tá?
Muốn đem rửa ruột khách quan san”
Cảm tác qua sông Thạch Hãn - Bảng nhãn Võ Duy Thanh.

Liêm Tuyền tức suối Liên ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) là vùng đất tượng trưng cho phong tục thuần hậu, dân biết thương nhau, người đi làm quan đều biết giữ mình thanh liêm, không ăn hối lộ. So sánh sông Thạch Hãn với Liêm Tuyền trong điển tích, tác giả muốn khẳng định đây là dòng sông tượng trưng cho sự thanh cao, khách vãng lai nên dừng chân ngắm cảnh để suy ngẫm mà tẩy sạch những gì còn vẫn đục trong lòng!
Xem thêm >

Theo Trang Thông Tin Điện Tử tỉnh Quảng Trị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến