< Cổng thôn văn hóa, phía trong là khu vực đền Ông Trần.
Khu Nhà Lớn Long Sơn là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín với nhiều công trình như dãy nhà phố, chợ, lầu dài, nhà máy đèn...
< Một trong nhiều cổng vào khu đền Ông Trần.
Hiện nay, ngoài những dãy nhà bằng gỗ có niên đại hơn 100 năm tuổi, nơi đây còn có những đồ vật rất có giá trị như bộ ghế ‘bát tiên’ của vua Thành Thái cũng như tồn tại một nét văn hóa riêng gắn với phố cổ là đạo Ông Trần.
Quần thể kiến trúc này đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ hơn 20 năm nay; trở thành một trong những địa điểm được nhiều khách du lịch tìm đến ở miền Đông Nam bộ, đặc biệt là vào những ngày lễ trong năm.
< Một góc khu Nhà Lớn.
Khu phố cổ này được ông Lê Văn Mưu (quê ở vùng Bảy Núi, An Giang) xây dựng từ năm 1910 đến năm 1928, gồm sáu dãy phố rộng tới 2 héc ta với hàng trăm nóc nhà sát nhau được quy hoạch rất chi tiết và khoa học như nhà Thánh, lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật, khu nhà hậu… thu hút hàng trăm người dân thời bấy giờ tới sinh sống, ngụ cư.
Theo lời cô Ba Kiềm, cháu đời thứ tư của ông Lê Văn Mưu, thì sinh thời ông từng tham gia kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược cùng Quản cơ Trần Văn Thành ở quê nhà là vùng Bảy Núi (An Giang).
< Chập chùng mái ngói trong khu đền Ông Trần.
Khi nghĩa quân thất bại ông phải xuống thuyền vượt biển tới vùng đảo Long Sơn này để lánh nạn. Thấy nơi này non nước hữu tình, có thế núi, sông, biển liền kề, có thể an cư lâu dài nên ông cùng gia nhân, tùy tùng bèn dựng nhà cửa, đinh cư lâu dài. Đến nay, qua hơn 100 năm, vùng đất này đã thành một trong những địa điểm được ưa thích nhất của thành phố biển xinh đẹp trong mắt các du khách trong và ngoài nước.
< Bộ bàn ghế "Bát tiên" của vua Thành Thái.
Một cảm giác hoàn toàn ngỡ ngàng khi tôi được ông Nhâm, một người mà đã sinh ra và sống ở phố cổ này đưa đi tham quan toàn bộ khu phố. Hầu như tất cả đều được làm bằng gỗ, chạm khắc cầu kỳ một cách vô cùng tinh xảo.
Trong đó, những đồ vật thuộc loại quý hiếm, có một không hai như bộ tủ thờ bằng gỗ lim cán xà cừ gồm 33 cái, có xuất xứ tận phủ Hà Đông, Bắc bộ xưa hay bộ ghế bát tiên của vua Thành Thái lưu lạc trong dân gian có chạm khắc hình đầu rồng biểu tượng cho quyền uy tối thượng của nhà vua.
Còn có rất nhiều vật dụng gia đình khác như bộ sập, giường, bình gốm, lư hương… có niên đại hàng trăm năm vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Ngoài ra còn có 88 đôi liễn, 94 câu đối hoành phi ghi chép tỉ mỉ những lời khuyên răn, giáo huấn con cháu đời sau.
Đứng trên tầng cao chót vót của dãy phố cổ, dõi mắt hướng về phía xa xa là ngọn núi Nứa hùng vĩ, xanh ngút ngàn đang soi bóng xuống ngã ba, nơi hai con sông Chà Và, sông Rạng đang êm đềm trôi về phía vịnh Gành Rái trước khi hòa vào biển Đông.
Theo ông Lê Minh Thông, cán bộ xã Long Sơn thì gần như toàn bộ nhân dân trong xã đều theo đạo Ông Trần. Đây là một loại đạo có xuất xứ từ vùng Bảy Núi, An Giang, quê hương của ông Lê Văn Mưu.
Ông Lê Minh Thông giải thích: Mọi người ở đây quen gọi đạo Ông Trần vì lúc sinh thời, khi đi lao động ông Mưu thường cởi trần và đi chân trần. Vì thế họ theo đạo của ông nên gọi vậy cho tiện chứ không phải thờ ông Lê Văn Mưu.
Tuy nhiên, theo chúng tôi thì tên gọi này là nhằm nhắc đến đức Quản cơ Trần Văn Thành - một đại đệ tử của Phật Thầy Đoàn Minh Huyên, giáo chủ Bửu Sơn Kỳ Hương ở chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc).
Những người theo đạo này thường thờ cúng cha mẹ, sống hiền hòa, chăm chỉ lao động chân tay, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau, tương thân tương ái. Như cô Ba cho biết thì gọi là đạo Ông Trần và có truyền thống hàng trăm năm nhưng thực chất đạo chỉ mong con người sống tốt đẹp với nhau mà thôi, không có gì cao siêu cả.
Hiện nay những người sống trong phố cổ này vẫn giữ được nhiều nét văn hóa, tập tục như cách đây hàng trăm năm. Họ mặc đồ nâu sồng kiểu bà ba, đi chân đất, vấn khăn, tóc búi tó…
Được Nhà nước chính thức công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ ngày 03-8-1991 hiện nay khu phố cổ này đang là điểm đến của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước mỗi năm bởi ở đây có nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo.
Đặc biệt, vào hai ngày là vía ông Lớn (20 tháng Hai) và ngày Cửu trùng (mùng 9 tháng Chín âm lịch) hàng năm luôn được tổ chức lễ cúng trọng thể, thu hút hàng ngàn người từ các tỉnh miền Tây Nam bộ xa xôi đến hành hương. Đó là một truyền thống tốt đẹp của khu phố cổ còn lưu giữ tới ngày nay.
Phải mất hơn một tiếng đồng hồ tôi mới có thể đi tham quan hết các khu nhà của phố cổ. Một cảm giác ngưỡng mộ những gì mà tiền nhân đã lưu giữ và xây dựng khiến tâm hồn mình như xao xuyến. Có lẽ đó chính là giá trị quý giá nhất mà bất cứ ai, nếu một đến Vũng Tàu cũng không nên bỏ qua khu phố cổ độc đáo mà đẹp tuyệt vời này.
Xem thêm >
Theo Đoàn Xá (The SaigonTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét