Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Cảnh đẹp xứ Ninh

(DNSG) - Nằm tại ngã ba của con đường Bắc Nam và con đường nối duyên hải với cao nguyên, xứ Ninh, tức Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa đang ngày càng được du khách biết đến với núi sông, biển trời xinh đẹp.

< Tít phía xa xa là Hòn Phu Tử thuộc Ninh Trang - Ninh Hòa.

Hơn thế nữa, vùng đất ngày xưa có tên là phủ Thái Khang này còn có những kiến trúc phủ đường độc đáo, những làng quê cổ kính với mái chùa, đền đình rêu phong.

Từ lâu, xứ Ninh đã nổi tiếng khắp nước với núi Vọng Phu, biển Vũng Rô, Đại Lãnh, Dốc Lết, muối Hòn Khói, nem Ninh Hòa… Tuy nhiên, ngoài những thắng cảnh tuyệt vời này, nhiều du khách lại thích đi lang thang vào các con đường nhỏ dẫn đến thôn xóm bình yên bên vườn dừa mát rượi.

Đồng lúa, đầm sen, nhà cổ thỉnh thoảng lại hiện ra như một bức tranh tươi tắn. Đi bộ mỏi chân, ly nước dừa Ninh Đa ngọt dịu cứ làm người ta nhớ mãi.

Trên con đường quê vắng lặng, chúng tôi đã tìm thấy lăng Bà Vú, tháp Bửu Dương, hai kiến trúc được xếp vào hàng những di tích cổ nhất của người Việt từ Đèo Cả đến mũi Cà Mau.

Thị trấn Ninh Hòa dù mới lên thị xã, song nét hiện đại vẫn chưa lấn át hết cái vẻ phong lưu kín đáo của phố thị xưa. Dù ngày càng có nhiều khách phương xa đến nhang khói, chùa Hội tọa lạc ngay tại trung tâm thị xã vẫn là một không gian sâu lắng, trang nghiêm.

Đây là một trong những ngôi chùa nguy nga xinh đẹp nhất thị xã. Chùa nằm trên khu đất rộng rãi, phía sau có hồ sen, phía trên có hoa viên trưng bày khoảng một trăm chậu kiểng đủ loại đủ màu sắc, phong cách.

Ghé qua chợ thưởng thức xong món nem Ninh Hòa và tô bún cá lá dầm đậm đà hương vị biển, những du khách nhàn rỗi lại đi tiếp về phía núi non. Trong những ngày nắng nóng, thắng cảnh Ba Hồ ở xã Ninh Ích quả là điểm câu cá, tắm suối lý tưởng.

Thắng cảnh này là một con suối cao hơn 660m bắt nguồn từ đỉnh Hòn Son, chảy giữa hai triền núi đá xuống cánh đồng thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích rồi đổ ra đầm Nha Phu. Sở dĩ có tên gọi Ba Hồ là vì phía đầu nguồn, trên đường vượt núi, băng rừng để xuống với biển, có ba lần lòng suối mở ra ngay trên lưng núi, tạo liên tiếp ba cái hồ với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Từ thôn Phú Hữu, du khách đi chừng một cây số sẽ đến hồ thứ nhất chỉ sâu vài sải tay, dưới đáy là cát trắng, rải rác năm sáu hòn đá chìm nổi, quanh hồ đá xếp ngổn ngang. Vừa dừng chân, mọi người đã cảm nhận được sự khác biệt của không khí nơi đây.

Tiếng chim rừng ríu rít, tiếng suối chảy rì rào và bầu không khí mát rượi đặc trưng của những cánh rừng nhiệt đới. Từ hồ thứ nhất lên hồ thứ hai, cả đoàn phải vượt qua những ghềnh đá khá hiểm trở, những hốc đá nhỏ và những đoạn dốc khá cheo leo.

Từ hồ thứ hai đi lên hồ thứ ba là chặng đường hiểm trở nhất với những tảng đá cao dựng đứng và những khe đá hẹp. Có đoạn để trèo lên được, người ta phải đóng những tay vịn bằng sắt vào phiến đá, lại có đoạn phải đu qua những đoạn dây rừng.

Khi lên đến nơi quả là không uổng công. Hồ nằm dưới chân một ngọn thác, rộng và sâu hơn hai hồ trước đó. Xung quanh hồ có đá bao phủ, phía trên đỉnh có phiến đá bị nước bào mòn lâu ngày trông bóng nhẵn, đẹp mắt.

Tương truyền Ba Hồ rất linh thiêng, xưa kia người dân thường đến đây lập bàn hương án để cầu mưa. Ngồi dưới tán cây cổ thụ, ngắm nhìn hồ nước và toàn cảnh dòng suối mới thấy hết được sự kỳ diệu của tạo hóa. Tạo nên được khung cảnh kỳ vĩ tuyệt vời này, chẳng trách người xưa luôn cúi đầu và tự thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên.
Xem thêm >

Theo Bảo Hòa, Đặng Ngọc Tài, Trần Hồng (DNSGCT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến