Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Thổ cẩm Chăm Phum Soài

An Giang – một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ có làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm nổi tiếng tại ấp Phum Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang được rất nhiều người biết đến. Người địa phương gọi tên là Thổ cẩm Phủm Xoài.

Nơi đây được biết đến như một trong những địa phương còn lưu giữ đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm ở Việt Nam. Ngoài nghề nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, phần lớn người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt, thêu, đan…

Sản phẩm được làm ra là những chiếc khăn choàng tắm, sà rông đầy màu sắc, thổ cẩm tinh xảo, túi đeo nhỏ xinh và đặc biệt là những chiếc khăn bịt tóc đẹp mắt. Đây là một trong những địa phương còn lưu giữ được nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm.

Có một thời gian nghề dệt ở Phủm Xoài bị “chựng” lại do khó khăn trong khâu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Một số hộ bỏ nghề dệt sang làm nghề khác. Làng dệt đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Năm 1997, sau khi tìm hiểu nguyện vọng của bà con, Sở Công nghiệp tỉnh An Giang quyết định hỗ trợ khôi phục nghề dệt ở Phủm Xoài. Và Hợp tác xã (HTX) Dệt Châu Giang ra đời với 50 hội viên được nhận vốn vay hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh.

Nhiều người bỏ nghề mua bán trở về với nghề dệt truyền thống. Những nghệ nhân lâu năm trong nghề tham gia cải tiến kỹ thuật sử dụng con thoi trong khung dệt thay vì quăng thoi bằng tay sang dùng bằng dây giật nên công đoạn dệt nhanh gấp 10 lần. No In, một cô gái 19 tuổi, sau khi học xong phổ thông, đã theo nghề truyền thống gia đình học may, đan, dệt thổ cẩm phục vụ cho du khách.

Cô nói: “Lương khởi điểm mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, nhưng do sinh sống ở  quê nên cũng tạm đủ, nhưng quan trọng nhất là em được làm nghề mình yêu thích nhất và thấy thổ cẩm của người Chăm được du khách mua nhiều”. Gia  đình nghệ nhân Se Mak làm chủ 3 khung dệt trong HTX đã có thu nhập ổn định. Chị có 2 con trai đang học ở nước ngoài và cô con gái theo nghề dệt của mẹ.

Hiện nay, HTX sản xuất khoảng 160 chủng loại sản phẩm, doanh thu bình quân trên 100 triệu đồng/tháng, trong đó 65% được du khách đặt mua. Sản phẩm của HTX có mặt tại các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Canada…

Trong 6 lần tham dự triển lãm “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, thổ cẩm Phủm Xoài đều đoạt giải thưởng. Đặc biệt là hai mặt hàng “Ikat vân mây” và “thổ cẩm bông dâu” đều được bán rất chạy. Chị Se Mak cho rằng: “Bí quyết nằm ở khâu nhuộm và thiết kế hoa văn. Sở dĩ du khách thích thổ cẩm Phủm Xoài vì sản phẩm được sử dụng từ vỏ cây Pahud và nhựa cây Kalék để nhuộm sợi, làm màu thổ cẩm càng để lâu càng ánh bóng, không phai”.

Làng nghề thổ cẩm Phủm Xoài hiện đang hoạt động theo mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề và tiêu thụ sản phẩm. Nghề dệt của người Chăm nơi đây sẽ duy trì lâu bền và phát triển, và hình ảnh các cô gái Chăm nở nụ cười tươi thắm bên khung dệt sẽ còn mãi với thời gian.

Lưu ý: Có nhiều tuyến du lịch cho cả du khách trong và ngoài nước tham quan Châu Phong. Trong đó có tour mang tên Homestay (ở nhà người dân bản địa) với chương trình “Trở thành một người Chăm”. Du khách sẽ được ăn, ngủ tại nhà một người Chăm, sinh hoạt, thưởng thức âm nhạc của họ, thử vài thao tác dệt lụa và những điệu múa Chăm độc đáo…

Đặc biệt là phần ẩm thực cũng thu hút nhiều du khách bốn phương với các món ăn đậm nét truyền thống của người Chăm được chế biến từ thịt bò như: cà ri bò, lạp xưởng bò; gỏi sầu đâu với vị đắng rất riêng và các món bánh Chăm như: bánh tổ chim, bánh lỗ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến