Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Nậm Sài: điểm du lịch hấp dẫn

Sa Pa (Lào Cai) là điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá và chinh phục vùng núi Tây Bắc với những điểm đến nổi tiếng như: Hàm Rồng, Cát Cát, Tả Van, Tả Phìn...
Nhưng sẽ không thật trọn vẹn nếu du khách chưa một lần trải nghiệm tuyến du lịch cộng đồng Nậm Sài để tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây.

< Bản Nậm Sài.

Đến xã Nậm Sài cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 30km về phía nam, du khách sẽ được tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ đặc trưng của vùng núi phía Bắc; thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ với dãy núi Hoàng Liên trùng điệp cùng những thửa ruộng bậc thang trải rộng ngút tầm mắt.

Nậm Sài theo tiếng Tày có nghĩa là “suối cát”. Các dòng suối ở đây thường có rất nhiều cát. Giữa suối có hàng trăm phiến đá to, nhỏ với đầy đủ các hình thù kỳ lạ, độc đáo. Hai bên bờ suối, cây và hoa rừng đua nhau khoe sắc tạo nên một bức tranh phong cảnh vô cùng sinh động, hữu tình.

Đến Nậm Sài, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng 3 ngọn thác tuyệt đẹp là thác Cá Nhảy (cách trung tâm xã khoảng 500m về phía tây), thác Nậm Ngấn (cách trung tâm xã khoảng 2km về phía nam) và thác Ba Tầng (cách trung tâm xã khoảng 2,5km về phía tây nam).

Mỗi thác mang một vẻ đẹp riêng, ngày đêm ầm ầm nước chảy, tung bọt trắng xóa xuống những ghềnh đá tạo nên bầu không khí mát lạnh, trong trẻo giữa đại ngàn.

Thác Nậm Ngấn có nhiều nước về mùa hè và ít nước về mùa đông, nước chảy ầm ầm suốt ngày đêm như khẳng định sức mạnh của ngọn thác. Thác Ba tầng lại giống như mái tóc dài của thiếu nữ đang chải để làm duyên, dòng thác rất nhẹ nhàng uyển chuyển tạo thành 3 tầng thác giống như ba chị em cô tiên đang nhẹ nhàng chải tóc, nước như muốn ôm trọn tất cả vào lòng. Thác Cá Nhảy tạo cảm giác thoải mái và thích thú, đến đây du khách sẽ được ngắm những "vũ điệu của cá" tung tăng bay nhảy trên ngọn thác càng làm tăng thêm sự hiếu kỳ của du khách.

Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng, Nậm Sài còn cuốn hút du khách với vẻ đẹp độc đáo toát ra từ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Giáy, đặc biệt là dân tộc Xá Phó ở thôn Nậm Sang (cách trung tâm xã khoảng 2,5km).

Dân tộc Xá Phó thuộc nhóm dân tộc Phù Lá, là một trong những tộc người có dân số ít nhất, sống quy tụ theo từng bản nhỏ, mỗi bản có từ 25 đến 30 hộ. Nhà ở của người Xá Phó được thiết kế theo kiểu nhà sàn 3 gian nhỏ và thấp, mái lợp gianh, sàn được lát bằng tre hoặc vầu, cầu thang lên xuống làm bằng các cây tre bắc cầu. Ngôi nhà với lối kiến trúc đơn sơ, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa làm nên đặc trưng riêng của cộng đồng người Xá Phó.

Đến thôn Nậm Sang, vào thăm bất cứ gia đình người Xá Phó nào, du khách cũng có thể dự một bữa cơm thân mật cùng chủ nhà, thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng cao như: cá lam ống, măng sặt xào thịt, măng vầu xào tỏi, đặc biệt hấp dẫn hơn cả là các món ăn được chế biến từ lợn đen, đem lại cho du khách những hương vị đậm đà, khó quên.

Hiện người Xá Phó ở Nậm Sang đang duy trì và phát triển một số nghề thủ công truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đồng thời tăng thêm thu nhập như: mây tre đan, đan lát chài lưới, trồng bông dệt vải... Không chỉ có vậy, đồng bào nơi đây còn lưu giữ được kho tàng văn học dân gian phong phú với nhiều câu truyện cổ tích mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt và nhiều lễ hội truyền thống như: lễ cúng thần rừng, thần làng, thần sông, thần suối; lễ quét làng; lễ cúng hồn lúa…

Hầu hết các lễ tết ở đây đều gắn với các hình thức sinh hoạt cộng đồng (nhảy múa điệu T’xin chi va, múa cầu mùa, múa phồn thực, hát kể diễn xướng...); sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống (kèn, trống, sáo); thanh niên nam nữ hát giao duyên; trẻ em chơi các trò chơi dân gian (đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù...).

Chính vẻ đẹp tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc đã đem đến cho Nậm Sài một bức tranh đa sắc màu, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Sa Pa. Đây là một trong những điểm đến ấn tượng, không thể bỏ qua của du khách trong hành trình về miền Tây Bắc.

Theo Du Lịch VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến