Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Giải mã địa danh Vũng Chùa.

Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn vũng Chùa - đảo Yến (Quảng Trạch, Quảng Bình) làm nơi an nghỉ cuối cùng, vùng biển này trở thành một địa danh thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dân VN, dự báo sẽ là một điểm đến mới của du khách trong và ngoài nước trên đường thiên lý xuyên Việt.

< Nhìn lên thấy thấp thoáng nóc tháp chuông.

'Núi Rồng' hay 'Vũng Chùa' trở thành những cái tên khiến nhiều người thắc mắc về một địa danh. Ngọn núi Đại tướng sẽ yên giấc ngàn thu có tên chính thức là núi U Voi bởi nhìn trong cả dải núi chạy dài, ngọn núi này có dáng dấp của phần u của một con voi.

Núi U Voi nằm trong dải núi Rồng. Sở dĩ có cái tên núi Rồng là bởi phần đầu của dải núi vô tình có 2 chiếc hang được ví tựa mắt của con rồng. Đây là 2 chiếc hang khá lớn, có vòm hang rộng từ 7 -10m, sâu chừng 30m. Hang không có những nhũ đá mà khá phẳng phiu, người dân vùng biển này vẫn thường vào đây để tham quan thưởng ngoạn.

Dải núi Rồng gồm nhiều ngọn núi thấp uốn lượn quanh eo biển. Phía trước dãy núi này là đảo Yến và bãi biển Vũng Chùa, xa xa là cảng Hòn La tạo thành một quần thể khá hữu tình. Nếu nhìn cả dãy núi này thì vị trí an táng của Đại tướng nằm ở cổ rồng.

< Trên đỉnh cao nhìn xuống đảo Yến và Vũng Chùa.

Còn tên gọi vũng Chùa do vùng biển nơi đây yên bình như 'vũng', từ hàng trăm năm trước có một ngôi chùa rất linh thiêng nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn nền móng. Đảo Yến tên gốc là Hòn Nồm, gọi theo hướng gió. Sau này người dân gọi là đảo Yến bởi trên đảo có nhiều chim yến về đây làm tổ. Đảo Yến rộng khoảng 10ha cách bờ khoảng 1km, vẻ đẹp hoang sơ, như bức bình phong nổi lên giữa biển.

< Một góc trên đảo Yến (đảo Nồm).

Trên đảo không có dân ở, chỉ có vài công nhân từ Nha Trang ra đây dựng trại để khai thác yến. Núi Thọ nối liền núi Sú tiếp nối mũi Rồng tạo thành một cánh cung vững chãi đâm ra biển Đông, che chắn gió đông bắc; dưới chân là bãi biển cát trắng vàng trải dài tít tắp, cây cối xanh tươi.

Đảo Yến cũng từng có thời gian được gọi là 'đảo Chùa' vì có ngôi chùa cổ. Ngày nay, cái tên 'đảo Yến' được dùng nhiều hơn cả bởi nơi này giờ được một đơn vị nuôi chim yến khai thác khá hiệu quả.

< Từ trên núi Thọ nhìn về đảo Yến.

Vũng Chùa - đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng đông nam. Từ trên đỉnh Thọ Sơn phóng tầm mắt về hướng biển là khung cảnh non nước hữu tình, biển nước mây trời bình yên và khoáng đạt.

Vũng Chùa được bao bọc bởi ba đảo là Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (đảo Yến) nên nơi đây rất kín gió. Những ngày gió bão tàu thuyền thường về đây trú ẩn.

< Bãi biển Vũng Chùa.

Vũng Chùa là một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La mà theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên của nhà văn hóa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn. Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh mũi Rồng che chắn phía Tây - Bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ.

Vùng biển Hòn La nổi tiếng với những sản vật dùng để cung tiến triều đình. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài 'cửu khổng quyết minh' hay còn gọi là bào ngư, là những sản vật thường mang đi cung tiến triều đình. Vùng đất này được người dân nơi đây coi là linh thiêng bởi tương truyền năm xưa vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành đã dừng lại nơi đây lập đàn thần linh phù hộ. Khi chiến thắng trở về, nhà vua về đây lập đàn tạ ơn đất trời.

< Ngôi miếu trên sườn núi.

Người dân vẫn cho rằng xã Quảng Đông là một vùng đất linh thiêng bởi hiếm có nơi nào mà trong một xã có đến mấy chục ngôi miếu, đền và am thờ. Cứ đi vài trăm mét lại có một nơi để thờ cúng.

Ngày xưa, trên dãy núi Rồng cũng có 2 ngôi miếu được đặt ở phần 'đầu rồng' và 'đuôi rồng'. Tiếc rằng, trong những năm tháng chiến tranh, máy bay địch rải thảm bom qua nơi này đã khiến 2 ngôi miếu bị sập hoàn toàn.

< Tại đây có ngôi miếu và một mái chuông đã được dựng lên từ mấy năm trước.

Giờ đây, người dân ở xã Quảng Đông vẫn còn bất ngờ khi Đại tướng về yên nghỉ tại Vũng Chùa. Theo nhiều người địa phương thì khu vực Đại tướng được chọn để an táng đã được xây dựng một số hạng mục cách đây gần chục năm. Cụ thể tại đây có một căn nhà sàn, một ngôi nhà 2 tầng diện tích lớn và một miếu thờ đã được xây dựng hoàn tất.

< Tháp với quả chuông trên đó có đúc nổi tên của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình cung tiến. Bốn chữ lớn đúc vào chuông: “Vũng Chùa Hồng Chung”.

Chỉ có đường vào trước kia là một con đường đất đỏ nhỏ chỉ vừa cho những chiếc xe chở ít người đi vào. Cho đến ngày 8/10 thì con đường này mới chính thức được thi công, mở rộng… và bỗng nhiên thôn Thọ Sơn – xã Quảng Đông trở nên tấp nập đến không ngờ.

Đứng trên đỉnh Thọ Sơn nhìn ra bốn bề trời biển, ta sẽ thấy một không gian bình yên và khoáng đạt. Từ đây có thể cảm nhận được phần nào lý do Đại tướng chọn nơi đây để yên giấc ngàn thu.

Vũng Chùa là một vùng đất đẹp, núi non hùng vĩ, sóng biển hiền hòa. Rất có thể trong tương lai, đây sẽ là điểm đến rất giá trị kết nối với thắng cảnh đèo Ngang, đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa... tạo thành một tuyến du lịch tâm linh đầy sức thu hút, không chỉ phong cảnh đẹp mà còn rất thiêng liêng.

Vị trí Vũng Chùa - đảo Yến

< Giếng cổ trên núi.

Vùng đất nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vũng Chùa - đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) có vị trí rất đẹp. Phía đông nam Vũng Chùa là biển Đông với đảo Yến như tấm bình phong giữa biển trời che trước mặt.

Phía tây bắc là núi Mũi Rồng như tấm lưng vững chãi của non sông Việt Nam mà Đại tướng đã suốt một đời góp công gìn giữ.

< Từ Vũng Chùa nhìn ra đảo Yến.

Vũng Chùa là một vũng biển nhỏ, có bờ cát trắng bằng phẳng rất tốt để làm bãi tắm. Ở đây có một triền núi nhô ra biển nên người dân địa phương gọi là Mũi Rồng.

< Nhìn từ bãi biển xã Quảng Đông, nước biển trong xanh.

Phía nam Mũi Rồng là biển, phía bắc là đất liền. Đảo Yến gồm hai đảo nhỏ dính liền nhau, có diện tích hơn 10 ha, nằm cách bờ biển Vũng Chùa 2km, trên đảo có nhiều hang hốc nên chim yến vẫn tìm về làm tổ.

Vũng Chùa - đảo Yến cách đèo Ngang về phía nam gần 10km. Đứng ở đầu chót đèo Ngang nhìn về phía nam có thể thấy rõ cảnh sắc của vùng biển ở Mũi Rồng. Đèo Ngang, Vũng Chùa tạo nên một quần thể non nước rất hữu tình, với núi vươn ra tận biển, sông và đường uốn lượn dưới chân đèo và biển luôn thấp thoáng những con thuyền...




Cập nhật:

< Biển Vũng Chùa những ngày thường hoang sơ vắng lặng, nay bỗng nhiên trở nên khác biệt bởi dòng người đến tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

< Những bãi đá thiên tạo đẹp tuyệt vời có chỏm mũi hướng về đất liền.

< Một ngày sau lễ an táng Đại tướng: khu vực núi Thọ, đảo Yến, biển Vũng Chùa quanh phần mộ tràn ngập vòng hoa.

< Sáng 14/10, khá đông người dân đã đến Vũng Chùa viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xung quanh đấy là rừng thông, quanh năm gió mát.

< Phía dưới là biển Vũng Chùa thơ mộng nằm dưới chân núi Thọ.

Người dân Quảng Bình lần đầu nhìn thấy tuyến đường Bắc Nam tê liệt nhiều giờ như hôm qua (vì dòng người viếng tang Đại tướng quá lớn).

Suốt tuyến đường QL1A từ TP. Đồng Hới về Vũng Chùa -Đảo Yến dài gần 70 km, từ trưa ngày 13/10 đã nghẹt kín người và phương tiện, kẹt xe kéo dài đến hơn 19h cùng ngày vẫn chưa được giải tỏa. Rất nhiều cơ quan, đoàn thể không thể đến được nơi an táng Đại tướng vì tắc đường. Linh cữu Đại tướng đã đến nơi an táng nhưng người thân của Đại tướng vẫn còn kẹt cứng ở QL1A cách đó hơn 30km và người thân phải xuống xe tự tìm lối thoát.

tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến