Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Tủa Chùa và chợ phiên

Cứ vào ngày chủ nhật hàng tuần, dường như đã đến hẹn, bà con các dân tộc ở khắp các bản trên mường dưới trong huyện Tủa Chùa lại xúng xinh trong những bộ váy áo còn hương mùi chàm, còn sáng ánh tơ xuống chợ phiên huyện.

Tủa Chùa là một huyện miền núi thuộc tỉnh Điện Biên. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía tây giáp huyện Mường Chà, phía nam giáp huyện Tuần Giáo và phía đông là tỉnh Sơn La. Tủa Chùa có địa hình núi thấp với các đỉnh Na Tung cao 1.585m ở phía đông nam, Phình Ho cao 1.585 m ở phía tây bắc và cao nguyên Xín Chải dạng cao nguyên đá vôi. Có sông Đà chảy qua ranh giới phía đông và phía bắc của huyện, sông Nậm Mức chảy qua ranh giới phía tây của huyện để nối vào sông Đà tại phía tây bắc huyện này trong địa giới xã Lao Xả Phình.

Đây là nơi cư trú của 7 dân tộc gồm: Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 73%, vì lẽ đó mà Tủa Chùa được coi là vùng đất phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Mông. Đặc trưng hấp dẫn du khách ưa tìm tòi khám phá ở Tủa Chùa là các chợ phiên. Ngoài chợ phiên chính của huyện còn có chợ phiên ở 2 xã Xá Nhè và Tả Sìn Thàng. Nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm ẩm thực được nhiều người biết đến như “rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà đi bộ, chè cổ thụ”.

Khác đôi chút với những phiên chợ khác, chợ phiên Tủa Chùa được họp ngày Chủ nhật, ngay tại trung tâm huyện nên sản phẩm bầy bán ở đây khá phong phú và đa dạng. Tuy vậy chợ vẫn giữ được nét đặc sắc của những phiên chợ vùng cao, sản phẩm bầy bán chủ yếu vẫn là những nông thổ sản do đồng bào các dân tộc làm ra.

Ngay từ sớm, khắp các nẻo đường dẫn đến chợ đã sôi động, náo nhiệt. Không còn những tiếng vó ngựa, lục lạc như xưa, mà thay vào đó là tiếng 'rừm, rừm' của những động cơ xe máy hòa chung tiếng nói cười của các bà, các chị, nam thanh nữ tú xuống chợ.

Ở Tủa Chùa, người địa phương trồng ngô, lúa, chè, bông, trẩu, đồng cỏ và một số loài cây ăn quả. Nuôi bò, trâu, ong mật, dê và khai thác dược liệu, đặc sản rừng. Vậy nên phiên chợ bán nhiều mặt hàng liên quan như những vuông vải, gánh rau, gùi ngô, can rượu, con gà, chú lợn hay những vật dụng như con dao, lưỡi cày...

Cách thị trấn Tủa Chùa chừng 15km, cứ 6 ngày một lần diễn ra chợ phiên Xá Nhè. Đây là phiên chợ hội tụ đủ sắc màu của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái Phù Lá từ các xã: Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng và Mường Báng. Tuy mới thành lập lại vài năm gần đây, nhưng chợ phiên Xá Nhè đã trở thành nơi giao lưu và tập trung mua bán, trao đổi hàng hóa, sản vật giữa người dân trong vùng.

Còn chợ phiên Tả Sìn Thàng có từ thời Pháp thuộc. Ở đây người dân mua bán, trao đổi tất cả những mặt hàng phục vụ sinh hoạt thường ngày. Từ vật phẩm “cây nhà lá vườn” như con lợn cắp nách, con gà, gạo nương đến kim, chỉ thêu thùa, đồ trang điểm và những sản vật của địa phương, như: rượu Mông pê, thịt thú rừng, măng khô, mật ong, chè Shan tuyết hay những vuông vải thổ cẩm rực rỡ đủ sắc màu…

Khi đã thấm mệt, du khách sẽ dừng lại ở quán nhỏ nào đó và thưởng thức thắng cố cùng rượu Mông Pê. Rượu Mông Pê là một loại rượu nổi tiếng của vùng được chưng cất từ hạt ngô ủ men lá, rượu rất thơm, nồng mà dịu, mạnh mà không choáng khiến người uống lúc nào cũng lâng lâng, say mà vẫn tỉnh, tỉnh mà vẫn say.

Mỗi phiên chợ không chỉ đơn thuần là mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tìm hiểu, chọn bạn đời của những chàng trai, cô gái Mông. Điểm đặc biệt nhất, độc đáo của những phiên chợ Tủa Chùa so với nhiều phiên chợ vùng cao ở vùng Tây Bắc là họp lùi ngày. Nếu tuần này họp vào ngày chủ nhật thì tuần sau sẽ là thứ 7 và tuần kế tiếp sẽ vào thứ 6...

Từ bao đời nay, mỗi phiên chợ đều được bà con các dân tộc xem như ngày hội. Ngoài mục đích xuống chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, thì đây cũng là dịp để nghi ngơi, giao lưu, gặp gỡ và còn là nơi để các chàng trai, cô gái tìm hiểu giao duyên. Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng với bà con các dân tộc trong huyện, phiên chợ Tủa Chùa vẫn mãi là ngày hội, tuần có một lần.

Châu Tủa Chùa của Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập ngày 18/10/1955 do tách từ châu Mường Lay và gồm 8 xã: Tà Phình (tức Tả Phìn), Lao Sà Phình (Lao Xả Phình), Sìn Phình (Sính Phình), Sin Chai (Sín Chải), Ta Sin Thang (Tả Sìn Thàng), Trung Thu, Quyết Tiến, Cộng Hòa. Từ năm 1962 là huyện thuộc tỉnh Lai Châu cũ cho đến khi tách tỉnh. Từ ngày 26 tháng 11 năm 2003 thuộc tỉnh Điện Biên.

Ngoài chợ phiên, Tủa Chùa còn là nơi hấp dẫn du khách ưa mạo hiểm, phiêu lưu tìm tòi, khám phá thiên nhiên bởi hệ thống hang động kỳ vĩ. Động Xá Nhè nằm dưới chân vách núi cao dựng đứng, cách trung tâm xã chừng 1km giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ.

Được người dân địa phương gọi là động Khó Xo (hang thuốc nổ). Đây cũng là một trong những hang động đẹp nhất ở Điện Biên với chiều dài 700m gồm 5 khoang lớn, nhỏ khác nhau, với vòm hang hình vòng cung, nhũ đá nhiều hình thù lạ mắt nối tiếp nhau từ cao xuống thấp. Mỗi khoang động đều tạo cho du khách sự bất ngờ, ngạc nhiên thú vị, kích thích trí tò mò, đam mê khám phá.

Cách xã Tả Sìn Thàng chưa đầy 20 phút đi xe máy là bãi đá cổ Tả Phìn, hùng vĩ không kém cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang.

Trước đây để tới Tả Sìn Thàng là thách thức không nhỏ với những ai không quen đi đường vùng cao bởi những dốc đá chênh vênh. Với những du khách thích leo núi, mạo hiểm với độ cao thì có thể lên thăm rừng thông tự nhiên ở xã Trung Thu với tổng diện tích 47ha. Nằm thấp thoáng phía dưới là bản của đồng bào Mông, du khách có thể đi bộ vãn cảnh và tìm hiểu văn hóa đặc trưng, thưởng thức những món ăn truyền thống.

Tủa Chùa có sông Đà chảy qua, một đầu có thể tạo thành tuyến du lịch sông nước sang thị xã Mường Lay, đầu kia sang khu vực Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) nối liền với lòng hồ thủy điện Sơn La. Tại các bản tái định cư Huổi Tráng 1, Huổi Tráng 2 hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mới khang trang, phục vụ du lịch khá tốt, nếu được đào tạo bài bản các tour, các công ty lữ hành có thể liên kết với người dân nơi đây tổ chức đón khách theo mô hình du lịch homestay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến