Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Mùa cải nương trên triền núi

(SGTT) - Ánh nắng chiều chênh chếch trên đỉnh núi, nắng vàng tựa mật ong mang theo cái hanh hao của mùa thu về đỉnh núi của người Tày, người Mông tự bao giờ. Triền núi vàng hơn, cái vàng được nhuộm sắc của bạt ngàn hoa cải – thứ thân quen của đồng bào trên núi từ bao đời.

Mỗi năm chỉ một mùa cải

Mùa này, người Tày, người Mông lên núi phát rẫy tra lúa. Lúa chín, gặt về, người ta đốt nương để vãi hạt cải lấy rau ăn. Năm nào cũng thế, chẳng cần phân tro, tưới tắm gì, chỉ cần đốt một lượt, lấy vị mặn của tro làm phân luôn thể để trồng cải.

Giống cải bẹ từ bao năm nay cứ thế mà ngọt mà vươn lên xanh tốt nơi triền núi cao này. Người Tày, người Mông trồng cải chẳng có hàng lối gì, hạt giống đựng trong ống bầu trên gác bếp từ mùa trước mang ra ngâm nước lạnh độ nửa tiếng rồi mang ra vãi đều trên triền núi. Gặp đất tốt, gặp những cơn mưa nhẹ đầu mùa thu, cải bật mầm mọc san sát nhau trên nương. Mỗi năm có một mùa cải nương ngọt lành như thế.

Chỉ độ một tháng, cải xanh tràn khắp triền núi. Đỉnh núi, triền nương, hốc đá, mỏm đất nhờ cải mà mặc một chiếc áo mới xanh tươi một màu. Nhìn mát mắt.

Giống rau ưa đất núi mọc cao ngang ngực người, từng bẹ rau xanh, mép lá quăn tít tựa mào gà, thân căng mọng nước. Khi ấy, cải thu hoạch, cải theo người Tày, người Mông về bản làm rau ăn hàng ngày. Mấy cô sơn nữ Tày đeo gùi lúi húi nhổ cải, bên kia đồi, mấy cô gái Mông cũng xoải cánh tay trong bộ váy áo sặc sỡ hái rau cải, cho vào gùi đeo nặng sau lưng. Một khung cảnh thật bình yên nơi rẻo cao giữa mùa cải nương.

Cải núi xuống chợ phiên

Những ngày thu, ẩm thực của người Tày, Mông không thiếu món rau cải; rau núi thật sạch, thật giòn và thật ngon. Cải nương được hái về còn tươi, ngắt bỏ cuống già, cho vào luộc chấm với muối gừng ngon chi lạ. Miếng thịt lợn sấy trên gác bếp mùa trước, lấy xuống đập đập mấy cái cho bay bồ hóng, ngâm nước sôi chừng nửa tiếng rồi thái lát mỏng xào rau cải xanh. Thế là được một đặc sản chỉ có nơi bản xa này, ăn giòn sần sật...

Cải non rửa sạch, dùng tay vặn thành từng đoạn nhỏ mang nấu với thịt gà ri ăn thật sảng khoái. Người Mông trên núi cao có tài muối dưa cải, mà chỉ muối bằng rau cải nương mới ngon. Chỉ cần mấy củ gừng, củ riềng thái lát, rau cải phơi tái vậy mà mấy bà mẹ Mông muối hàng chum dưa cải to để hong nắng ngoài triền đồi. Chỉ vài hôm sau, cải ngấm muối ngả vàng suộm, giòn tan, thơm thơm cay cay.

Chợ phiên ở bản mỗi tuần chỉ có một lần vào chủ nhật, cải nương theo người Tày, người Mông trên núi cao, trong bản xa đến chợ. Mùa này, cải được bày bán vô số ở các dãy rau quả. Người ta xúm xít mua cải nương vì là loại rau ngọt, thơm và là thương hiệu rau sạch. Cả mấy vại dưa vàng ươm của mấy cô sơn nữ Mông cũng đắt như tôm tươi.

Cuối mùa cải, người ta thôi không hái cải nữa bởi còn phải để cải đơm hoa kết trái, làm giống cho mùa sau. Thế là, núi đồi sau nhiều ngày mang trên mình màu áo xanh cải nương thì giờ choàng lên màu vàng của tấm áo mới. Một mùa hoa tuyệt đẹp nơi núi rừng, mùa hoa cải sắc vàng còn hơn cả mật ong, hơn cả nắng sớm mùa thu. Sắc vàng lan tràn từ đỉnh xuống chân núi, từ đỉnh này sang đỉnh núi kia. Hoa cải mỏng mảnh, nhỏ xinh và rực một màu vàng. Lũ ong bướm từ đâu bay về ùn ùn, làm o o cả một vùng núi. Bọn trẻ chăn trâu buổi chiều lận vào giữa nương cải để nô đùa, mấy chú nghé nghịch ngợm mép dính đầy cánh hoa cải vàng.
Xem thêm >

Theo Nguyễn Thế Lượng (Sàigòn Tiếp Thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến